(HNMO) - Thủ tướng Tsipras cũng sẽ sớm có cuộc tham vấn với các cố vấn cấp cao nhằm thảo luận về việc liệu có nên tổ chức bầu cử sớm...
Theo tin từ Reuters, hôm nay thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã chính thức đệ đơn từ chức lên tổng thống Prokopis Pavlopoulos với hi vọng sẽ tăng cường quyền lực của mình thông qua một đợt bầu cử sau 7 tháng nắm quyền với những cuộc đương đầu với các chủ nợ của Hy Lạp nhằm đạt được thoả thuận cứu trợ tài chính tốt hơn nhưng không mấy thành công.
Theo một số quan chức chính phủ cho biết, động thái của ông Tsipras là nhằm tổ chức cuộc bầu cử sớm vào ngày 20/9 tới. Qua đó dập tắt các cuộc nổi loại từ phía đảng cánh tả Syriza đồng thời chiếm lấy sự ủng hộ từ phía cộng đồng đối với chương trình cứu trợ tài chính - vốn là lần thứ ba đối với Hy Lạp kể từ 2010 - mà Tsipras đã thương lượng.
"Tôi sẽ tới gặp Tổng thống để đệ đơn xin từ chức của mình cũng như giải tán nội các chính phủ" - ông Tsipras phát biểu trên truyền hình trước khi đi gặp Tổng thổng Hy Lạp Pavlopoulos.
Thủ tướng Hy Lạp hi vọng sẽ sử dụng đợt bầu cử mới như một vũ khí nhằm cùng cố quyền lực. |
Đối mặt với sự sụp đổ gần như hoàn toàn của hệ thống tài chính Hy Lạp, đồng thời đe doạ tương lại của đất nước trong Liên Minh Châu Âu, thủ tướng Tsipras đã buộc phải chấp nhận yêu cầu của các chủ nợ đối với nhiều chính sách cải cách kinh tế khắc khổ - những thứ mà ông hứa sẽ từ bỏ khi được bầu vào hồi tháng 1 vừa qua.
"Tôi muốn nói một cách thành thật với các bạn rằng chúng tôi đã không đạt được những thoả thuận theo mong đợi trước cuộc bầu cử hồi tháng 1. Tôi cảm thấy sức ép trách nhiệm nặng nề cả về phương diện đạo đức lẫn chính trị và xin đặt mình trước sự phán xét của các bạn đối với những gì tôi đã làm, đã thành công, cũng như thất bại" - ông phát biểu trước người dân Hy Lạp.
Quyết định từ chức nhằm bầu cử sớm của ông Tsipras đã đào sâu những bất ổn chính trị ngay từ ngày đầu Hy Lạp bắt đầu nhận được những khoản viện trợ trị giá 86 tỷ Euro (tương đương 96 tỷ USD) trong chương trình cứu trợ tài chính của mình - 5 năm sau khi chính phủ tiền nhiệm nhận cứu trợ lần đầu từ khu vực đồng Euro và cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Kể cả khi nắm quyền lực trở lại, ông Tsipras cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn đến từ những chính sách hà khắc - vốn là hệ quả bắt buộc của gói cứu trợ. |
Tuy nhiên, việc bầu cử sớm như vậy cũng được cho là sẽ giúp thủ tướng Hy Lạp tận dụng sức ảnh hưởng của mình trước các cử tri trước khi những quy định khắc nghiệt nhất trong gói cứu trợ bắt đầu tác động tới người dân. Những quy định mới bao gồm cả việc cắt giảm lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng và thắt chặt thuế thu nhập cá nhân... Động thái này sẽ cho phép ông nắm lại chiếc ghế quyền lực một cách chắc chắn hơn đồng thời loại bỏ các đối thủ từng phản đối chương trình cứu trợ - vốn cũng thuộc cùng đảng Syriza.
Về phía mình, ông Jeroen Dijsselbloem - người chủ trì các cuộc họp của nhóm bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung Euro - hy vọng việc từ chức sẽ không trì hoãn hoặc làm hỏng các kế hoạch thực hiện gói cứu trợ tài chính. "Điều quan trọng là Hy Lạp duy trì được những cam kết với khu vực đồng Euro" - ông này phát biểu.
Trước đó, ông Tsipras được cho là sẽ tiến hành bầu cử vào mùa thu 2015 nhưng đã bị buộc phải tiến hành sớm hơn dự định sau khi gần một phần ba các nghị sĩ thuộc đảng Syriza từ chối ủng hộ chương trình cứu trợ trong phiên họp quốc hội hồi tuần trước khiến thủ tướng Hy Lạp mất đi sự ủng hộ chiếm đại đa số của mình. Thậm chí, nghị sĩ đối lập Dimitris Stratoulis cũng ám chỉ rằng phe của ông có thể sẽ tách rời hoàn toàn khỏi đảng và tuyên bố thành lập một "mặt trận chính trị và xã hội chống lại việc thắt lưng buộc bụng, dân chủ và yêu nước". "Nó sẽ hướng tới mục tiêu huỷ bỏ hai thoả thuận cứu trợ tài chính từ thời chính phủ trước và cả gói mà chính phủ hiện nay đã bỏ phiếu thông qua, thay thế chúng bằng một chính sách tăng trưởng" - ông này nói.
Đáng chú ý, hiến pháp vốn khá phức tạp của Hy Lạp có những quy định đặc biệt đối với việc bầu cử sớm được tiến hành dưới 12 tháng kể từ lần bỏ phiếu trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc tổng thống trước tiên sẽ phải cho đảng đối lập lớn nhất 3 ngày để cố gắng thành lập chính phủ mới. Trước thực tế này, lãnh đạo Đảng bảo thủ, ông Vangelis Meimarakis, cho biết sẽ tiến hành việc này - dù có rất ít cơ hội thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.