Trong năm 2013, ngành Ngân hàng cần tiếp tục làm tốt hơn nữa chính sách điều hành tiền tệ, thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn so với năm 2012.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu yêu cầu này khi dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, sáng 9/1, tại Hà Nội.
Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Trong năm 2012, một năm hết sức khó khăn với nền kinh tế đất nước, trong đó có lĩnh vực tiền tệ, hoạt động điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã định hướng, dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh so với cuối năm 2011. Đến cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất huy động VND giảm 3-6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5-9%/năm so với cuối năm 2011 và đã trở về mức lãi suất vào cuối năm 2007.
Các giải pháp tín dụng được điều hành linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, cơ cấu tín dụng chuyển hướng tích cực phù hợp với chủ trương chống đô la hóa và tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,91%.
Quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ thông qua các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm khả năng chi trả đầy đủ tiền gửi cho cư dân; không để xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng;…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, thu hồi nợ đến hạn và chủ động xử lý nợ xấu phù hợp với quy định của phát luật, nhờ đó nợ xấu đã có chiều hướng tăng chậm lại đáng kể (nợ xấu tăng phổ biến trên 8%/ tháng trong quý I/2012 nhưng từ tháng 6/2012 trở lại đây tăng bình quân khoảng 2%/tháng.
Để xử lý căn bản nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản; 2 Đề án này sẽ sớm được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đã có sự đổi mới về phương thức tổ chức, chỉ đạo thực hiện đem lại sự cải thiện rõ rệt về chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, từng bước lập lại kỷ cương trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Năm 2012 cũng đánh dấu sự thành công bước đầu trong công tác quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 12%
Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, Ngân hàng Nhà nước xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2013 như: điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với định hướng điều hành tổng phương tiện thanh toán, tín dụng.
Kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung-cầu ngoại tệ trên thị trường, các cân đối vĩ mô, diến biến cán cân thanh toán quốc tế.
Nâng cao chất lượng thống kê, dự báo phục vụ cho hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ.
Tập trung triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2013 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Thực hiện thanh tra pháp nhân đối với các tổ chức tín dụng, trong đó tập trung vào các tổ chức tín dụng có biểu hiện kém an toàn, vi phạm pháp luật, tổ chức tín dụng chưa được thanh tra trong 3 năm gần đây.
Thực hiện tốt hơn nữa chính sách điều hành tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, năm 2012, ngành Ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng trong quản lý, điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ; thanh tra, giám sát nắm chắc tình hình để làm tốt việc xử lý nợ xấu và tiến hành cơ cấu ngân hàng thương mại; quản lý thị trường vàng; thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế...
Với mục tiêu năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn, duy trì tăng trưởng cao hơn năm 2012, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội;... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý của ngành, trước hết là làm tốt hơn nữa chính sách điều hành tiền tệ, thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn so với năm 2012. Vì đây là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó là điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Phối hợp với các Bộ, ngành để có các giải pháp cụ thể hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Ngành Ngân hàng tiếp tục điều hành chặt chẽ tỷ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam; hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả thị trường vàng; triển khai mạnh các giải pháp xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, rà soát, đánh giá đúng tình hình nợ xấu, phân loại cụ thể theo ngành nghề, lĩnh vực...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn nhấn mạnh, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác giải trình và kịp thời cung cấp thông tin bằng mọi hình thức để xã hội hiểu đúng về hoạt động ngân hàng, qua đó tạo ổn định tâm lý xã hội, tạo đồng thuận trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chung của cả nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.