(HNMO) - Chiều 27-4, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương long trọng tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023.
Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Trưởng ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương…
Tham dự lễ phát động còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và một số cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu và đông đảo cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, qua 4 năm phối hợp triển khai phát động giữa Bộ LĐTBXH và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ đã thực sự trở thành ngày hội của công nhân, lao động cả nước với nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Năm 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam định hướng tổ chức các hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” từ rất sớm (tháng 11-2022). Đến nay, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc đã có kế hoạch triển khai thực hiện. Nhiều đơn vị đã tổ chức lễ phát động tại cơ sở với những nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị với một số trọng tâm hoạt động như: Ngày hội công nhân, Tuần lễ văn hóa - thể thao; biểu dương cán bộ Công đoàn, đoàn viên tiêu biểu; tặng quà, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; trao Mái ấm Công đoàn…
Với vai trò và trách nhiệm của mình, ngay từ cuối năm 2022, Bộ LĐTBXH cũng đã ban hành Kế hoạch số 4881/KH-BCĐTƯ của Ban Chỉ đạo Trung ương xác định chủ đề, nội dung và phân công tổ chức thực hiện các hoạt động triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023. Mục tiêu là tập trung cao nhất các nguồn lực để triển khai hiệu quả các hoạt động trong Tháng Công nhân năm 2023, quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực là tài sản giá trị nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.
Trong chương trình, 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” được tặng Cờ thi đua của Tổng LĐLĐ Việt Nam; 5 tập thể dẫn đầu trong phong trào thi đua về ATVSLĐ trong năm 2022 được tặng Cờ thi đua của Bộ LĐTBXH.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, chúc mừng những thành tích mà tổ chức Công đoàn, công nhân, lao động cả nước đạt được trong những năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện Việt Nam có trên 52 triệu lao động với nhiều chuyên gia, người lao động có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; năng suất lao động được nâng lên. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về lao động tiếp tục được hoàn thiện.
Các tiêu chuẩn về lao động cơ bản được bảo đảm, nhất là về vệ sinh, an toàn; những người không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quan tâm, chăm lo và bảo đảm các chế độ. Tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt. Vai trò của Công đoàn các cấp tiếp tục được phát huy. Đến nay, tổ chức Công đoàn đã quy tụ gần 11 triệu đoàn viên sinh hoạt ở 126 nghìn Công đoàn cơ sở.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến người lao động. Trong khi đó, bên cạnh các điểm sáng, còn cơ sở chưa tuân thủ nghiêm quy định về ATVSLĐ; bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp; tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện, vẫn xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, nhất là ở các lĩnh vực xây dựng, điện, khai thác than, khoáng sản và sản xuất, chế biến gỗ, cơ khí luyện kim…
“Đảng, Nhà nước thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ với những vấn đề mà công nhân, người lao động phải đối mặt; đồng thời, luôn quan tâm, ban hành những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và sinh kế cho người lao động. Luôn lắng nghe, chia sẻ và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động và người sử dụng lao động. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động...
Với tổ chức Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung chăm lo, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; đại diện cho người lao động thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; góp phần tích cực bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động; thường xuyên quan tâm, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Cùng đó, tổ chức Công đoàn cần thúc đẩy các phong trào sáng kiến; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp lực lượng, tuyên truyền để củng cố sức mạnh của giai cấp công nhân; để các đoàn viên nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chủ động cùng với Công đoàn các cấp tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Bày tỏ quyết tâm vì an toàn, sức khỏe, vì quyền lợi công nhân lao động, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững, phát biểu tại lễ phát động, ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý diện tích gần 377.000ha trải dài tại 34 tỉnh, thành phố trong nước và Lào, Campuchia với hơn 82 nghìn người lao động.
Dù còn khó khăn do giá bán giảm sâu và sự cạnh tranh gay gắt về lao động nhưng bằng các phương án phù hợp, Tập đoàn đã bảo đảm tiền lương, thu nhập để ổn định đời sống cho người lao động. Năm 2023, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quyết tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế về chính sách, pháp luật lao động để bảo đảm tối đa các quyền, lợi ích về việc làm, tiền lương, ATVSLĐ và phúc lợi cho công nhân; xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.