Làm việc với lãnh đạo Bình Thuận, Thủ tướng cho rằng, trong trung hạn, Bình Thuận phải tiếp tục vươn lên bằng “3 chân kiềng” là du lịch dịch vụ; công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều nay, 18-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận.
Các ý kiến của đoàn công tác đánh giá Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển như có nhiều gió nhất, nhiều nắng nhất, có trữ lượng khoáng sản titan lớn nhất, có bờ biển dài, đẹp, có hạ tầng giao thông đồng bộ. Tỉnh có tiềm năng, điều kiện để trở thành trung tâm năng lượng, trung tâm du lịch. Về nông nghiệp, bên cạnh quả thanh long, việc tỉnh đang tập trung đầu tư vào “2 con” là con tôm và con bò là đúng hướng.
Tại cuộc làm việc, để đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành năng lượng tái tạo trên địa bàn, tỉnh kiến nghị Thủ tướng có chính sách ưu tiên nguồn vốn vay và hỗ trợ về lãi suất để đầu tư vào các dự án điện năng lượng tái tạo.
Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng bổ sung các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn vào Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan, Bình Thuận Thuận có 25 khu vực với tổng diện tích đưa vào quy hoạch titan là 19.339 ha, trong đó có chồng lấn 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đã được chấp thuận với tổng diện tích 4.567 ha (chồng lấn tập trung tầng cát xám dọc ven biển). Tỉnh kiến nghị xem xét điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp với thực tế hiện nay theo hướng cắt giảm, đóng cửa mỏ các khu vực nhỏ lẻ, dọc ven biển của tỉnh, chỉ thực hiện ở khu vực mỏ tập trung có quy mô lớn. Trong thời gian rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạm dừng việc cấp phép thăm dò, khai thác titan.
Nhất trí với các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Thuận có lợi thế, tiềm năng to lớn để phát triển, trở thành tỉnh giàu mạnh.
Thời gian qua, kinh tế-xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỉnh chưa tạo được những “quả đấm thép” cho nền kinh tế. Là một trong 4 ngư trường quốc gia, có nhiều điều kiện phát triển kinh tế biển nhưng hạ tầng phục vụ kinh tế biển còn thiếu. Chưa khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch “đúng mức, đủ tầm”. Tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số còn thấp hơn bình quân cả nước.
Là một tỉnh lớn nhưng vẫn còn nhận trợ cấp ngân sách. Thủ tướng cho rằng, đây là câu hỏi lớn cho một tỉnh giàu truyền thống, tiềm năng như Bình Thuận. “Một tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển để cùng đóng góp cho cả nước là rất quan trọng mà chúng tôi muốn đặt bài toán này cho các đồng chí. Đồng thời đây cũng là một tồn tại cho chúng ta cùng suy nghĩ”, Thủ tướng nói và đặt mục tiêu đến năm 2019 tỉnh phải tự cân đối được ngân sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công xây dựng Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Vươn lên bằng 3 chân kiềng
“Bình Thuận có nhiều lợi thế so sánh, nhất là năng lượng sạch, du lịch, chế biến titan, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc… Các đồng chí có đến 28.000 ha thanh long, 50.000 ha cây công nghiệp khác. Chúng ta cần phát huy nguồn lực, tiềm năng, lợi thế phát triển để mang tầm cỡ quốc gia, khu vực về năng lực khai thác chế biến titan, du lịch…”, Thủ tướng nêu rõ. Trong trung hạn, Bình Thuận phải tiếp tục vươn lên bằng “3 chân kiềng” là du lịch dịch vụ; công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Với điều kiện, vị trí của Bình Thuận, có thể xây dựng thành tỉnh có trình độ phát triển cao trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13, Nghị quyết của HĐND tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, trước hết là trong năm 2017, tạo nền tảng vững chắc cho các năm tiếp theo trên tinh thần phát triển nhanh nhưng bền vững.
Phải nâng tầm chiến lược và quy hoạch phát triển. Những quy hoạch nào là quan trọng? Theo Thủ tướng, đó là quy hoạch một số cơ sở hạ tầng trọng điểm, quy hoạch kinh tế-xã hội, nhất là quy hoạch ven biển 192 km; quy hoạch nguồn nước, du lịch… Tinh thần quy hoạch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, đó là trở thành trung tâm năng lượng sạch, trung tâm du lịch quốc gia và khu vực, trung tâm chế biến sâu khoáng sản, vùng kinh tế biển.
Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng các hình thức đầu tư trong tất cả lĩnh vực. Sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Năm 2017, nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Tôi đề nghị các đồng chí trong Thường vụ, trong Ủy ban, nhất là cấp huyện, thị, thành phố ở đây phải tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển mạnh doanh nghiệp. Tiếp tục khuyến khích khởi nghiệp. Coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế”, Thủ tướng nêu rõ. Đối với Bình Thuận, phải phấn đấu đến năm 2020 có trên 7.000 doanh nghiệp (hiện nay mới có khoảng 4.500 doanh nghiệp).
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh.
Bàn lại vấn đề khai thác titan
Về vấn đề khoáng sản titan, Thủ tướng yêu cầu tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan phải bàn lại kỹ càng và có biện pháp giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó làm rõ phương án nào, chỗ nào làm, nếu khu vực đó có trữ lượng lớn, chất lượng tốt mà trong nước chưa khai thác được thì phải làm gì.
Đặt vấn đề quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tập trung hơn, Thủ tướng đề nghị không đưa nhiệt điện than vào Bình Thuận nữa.
Tỉnh cần tập trung nghiên cứu phát triển kinh tế biển, tiếp tục tập trung cho vận tải, dịch vụ cảng biển, du lịch biển đảo, nuôi trồng, đánh bắt. Hình thành vùng nuôi trồng thâm canh cao, là một trong những trung tâm sản xuất giống tôm. Cần hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần và chế biến trên biển.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền. Xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành chính quyền đối thoại, lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp, người dân. Bình Thuận phải cải thiện mạnh mẽ hơn chỉ số cải cách hành chính và xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Kết quả giải quyết việc làm, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh là trụ cột để đánh giá hiệu quả của các cấp, các ngành. Phải tạo được tinh thần cầu thị, lắng nghe trong hệ thống hành chính, tạo chữ tín, niềm tin và tinh thần làm việc trong cán bộ, công chức. Không để bộ máy cồng kềnh, không để cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm.
Chú ý tăng cường quản lý tài nguyên, đất đai, môi trường, nhất là bảo vệ rừng. Tiếp tục giám sát chặt chẽ môi trường ở khu vực Nhiệt điện Vĩnh Tân, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm.
Thường xuyên tiếp công dân, lắng nghe các nguyện vọng chính đáng, giải thích, giải đáp, giải quyết những ý kiến của công dân.
Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt bảo đảm an toàn cho du khách. Tiếp tục xây dựng Bình Thuận thành khu vực phòng thủ cơ bản liên hoàn, vững chắc, trong đó tập trung xây dựng và phát triển huyện đảo Phú Quý thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tư. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công xây dựng Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa.
Dự án có diện tích 850 ha tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.000 tỷ đồng do Tập đoàn Thông Thuận làm chủ đầu tư.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tư, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, đã có một người con độc nhất hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.