(HNM) - Bà Theresa May vừa có chuyến công du đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh tới một loạt quốc gia châu Phi, gồm: Nam Phi, Nigeria và Kenya trong ba ngày, từ 28-8.
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Anh với Lục địa đen, đồng thời góp phần chuẩn bị cho Chiến lược đối tác toàn cầu sau khi xứ sở Sương mù rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Thủ tướng Anh T.May và Tổng thống Nigeria M.Buhari tại thủ đô Abuja. |
Hiện tại, tiến trình Brexit đang trải qua nhiều khó khăn. Chính phủ Anh mới đây còn phải chuẩn bị cho một kịch bản là ra đi tay trắng mà không đạt được thỏa thuận thương mại nào với Liên minh châu Âu (EU). Hơn thế, cuộc “ly hôn” với EU đang tạo ra những thay đổi sâu sắc, cả về chính trị, kinh tế và xã hội đối với nước Anh. Brexit có thể làm giảm vai trò, ảnh hưởng của Anh ở châu Âu. Đó là điều thôi thúc London mở rộng quan hệ đối ngoại, tìm kiếm đối tác mới. Cả 3 nước mà bà T.May đến thăm lần này đều là các quốc gia nằm trong khối Thịnh vượng chung mà Vương quốc Anh là đầu tàu.
Với 53 thành viên, khối Thịnh vượng chung có tổng giá trị GDP hơn 13 nghìn tỷ USD. Đây sẽ là một thị trường đầy hứa hẹn đối với bất kỳ đối tác bên ngoài nào. Ngoài vị thế là thành viên khối Thịnh vượng chung, có liên kết chặt chẽ về lịch sử và ngôn ngữ với nước Anh, ba chặng dừng chân trong chuyến công du của Thủ tướng T.May đều là những nền kinh tế lớn, đại diện cho ba khu vực ở Lục địa đen, đó là Kenya ở Đông Phi, Nigeria ở Tây Phi và Nam Phi ở phía Nam châu lục. Việc thúc đẩy hợp tác, liên kết với ba quốc gia nói trên không nằm ngoài chiến lược của London nhằm bù đắp những thiệt hại kinh tế mà Brexit có thể gây ra.
Cụ thể, Nam Phi - điểm dừng chân quan trọng trong hành trình của bà T.May có nhiều nét tương đồng về thể chế chính trị so với Anh. Với 57 triệu dân cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, London luôn nằm trong nhóm những nhà đầu tư lớn nhất vào TP Pretoria, khi kim ngạch thương mại song phương đạt mức 11,6 tỷ USD năm 2017. Phát biểu với các doanh nghiệp ở Cape Town, thủ đô lập pháp của Nam Phi, bà T.May cam kết tài trợ 4 tỷ bảng Anh cho các nền kinh tế châu Phi. Dù thừa nhận Anh không thể sánh với “sức mạnh kinh tế” của một số nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc hay Mỹ ở châu lục này nhưng Thủ tướng Anh hy vọng sẽ đưa London vượt Washington, trở thành nhà đầu tư lớn nhất của khối G7 tại Lục địa đen vào năm 2022.
So với Nam Phi, hợp tác của Anh với Nigeria và Kenya còn tương đối hạn chế, song đây là hai quốc gia đang phát triển, vị trí tiếp giáp biển thuận lợi cho các hoạt động giao dịch thương mại và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu mỏ, khí đốt, sắt, than… Khi nước Anh tích cực quay lại châu Phi, các nước trong khu vực đương nhiên có lý do để chờ đợi những thay đổi. Để bù đắp cho phần thiếu hụt trong quan hệ thương mại với các nước châu Âu thời kỳ hậu Brexit, Anh cũng sẽ tăng cường nhập khẩu từ các nước châu Phi, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp.
Trong số các nước, Kenya chờ đợi chuyến thăm của bà T.May, bởi đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Anh đến thăm quốc gia này sau 30 năm. Với hai nước Nigeria và Nam Phi, chuyến đi của chủ nhân số 10 phố Downing cũng là cơ hội giúp các nước này thúc đẩy việc giải quyết một số vấn đề lớn như hợp tác năng lượng tại Nigeria; tháo gỡ xung đột liên quan đến cuộc cải cách đất đai đang gây nhiều căng thẳng tại Nam Phi...
Theo đánh giá của giới phân tích, ba điểm đến quan trọng trong chuyến công du của Thủ tướng Anh sẽ là “cửa ngõ” để London tiếp tục mở rộng hợp tác và ảnh hưởng tại châu lục một khi tiến trình Brexit dự kiến hoàn tất vào năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.