Tôi là chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm nội thất. Hiện tại, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên tôi muốn tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp một thời gian. Đề nghị quý báo cho biết quy định về việc tạm dừng kinh doanh của tôi phải tiến hành như thế nào? Trần Toàn Thanh (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Tôi là chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm nội thất. Hiện tại, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên tôi muốn tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp một thời gian. Đề nghị quý báo cho biết quy định về việc tạm dừng kinh doanh của tôi phải tiến hành như thế nào?
Trần Toàn Thanh (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Tiến sĩ - luật sư Vũ Thái Hà (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH YouMe. ĐT: 0913.55.99.44, website: www.youmeviet nam.com) trả lời:
- Điều 156, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về tạm ngừng kinh doanh như sau:
1. Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Theo quy định tại Điều 57, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì: Thời hạn tối đa đối với trường hợp tạm ngừng kinh doanh là 2 năm. Mỗi lần tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá 1 năm.
Hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh gồm: Thông báo tạm ngừng kinh doanh (thông báo phải có đủ nội dung: tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh; thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và kết thúc thời hạn tạm ngừng; lý do tạm ngừng; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp); quyết định và biên bản họp của hội đồng thành viên, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của đại hội đồng cổ đông, nếu là công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh, nếu là công ty hợp danh.
Ngoài ra, trong thông báo tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp đã ấn định cụ thể ngày bắt đầu tạm ngừng và ngày kết thúc tạm ngừng kinh doanh. Do vậy, khi hết thời hạn tạm ngừng thì doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình. Trong trường hợp chưa hết thời hạn tạm ngừng mà muốn kinh doanh trở lại thì có thể làm công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Thuế để thông báo về việc này.
Như vậy, theo các thông tin ông đã cung cấp, trong trường hợp muốn tạm dừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ông có thể tiến hành những thủ tục tạm dừng hoạt động kinh doanh căn cứ theo các nội dung đã nêu ở trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.