Năm 2010, bố mẹ tôi mất không có di chúc, di sản của hai cụ là nhà và đất. Ông bà nội, ngoại của tôi đã mất trước bố mẹ tôi, tôi là con duy nhất của hai cụ. Hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đứng tên cha mẹ tôi. Nay tôi muốn bán tài sản mà bố mẹ tôi để lại, thì phải tiến hành những thủ tục gì? Trần Thị Huệ (Đống Đa, Hà Nội)
Năm 2010, bố mẹ tôi mất không có di chúc, di sản của hai cụ là nhà và đất. Ông bà nội, ngoại của tôi đã mất trước bố mẹ tôi, tôi là con duy nhất của hai cụ. Hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đứng tên cha mẹ tôi. Nay tôi muốn bán tài sản mà bố mẹ tôi để lại, thì phải tiến hành những thủ tục gì?
Trần Thị Huệ (Đống Đa, Hà Nội)
Thạc sỹ, luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật Số 5 - Quốc gia, ĐT: 04.37622620; website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Theo thông tin mà bạn cung cấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đứng tên cha mẹ bạn mà hai cụ đều đã mất, nên trước khi chuyển nhượng (bán) tài sản thừa kế, bạn phải tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Do ông bà nội, ngoại của bạn đã mất trước bố mẹ bạn và bạn là con duy nhất của hai cụ, nên theo quy định tại Điều 676, Bộ luật Dân sự, thì bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ bạn và cũng là người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật.
Theo quy định tại các Điều 35, 49, 50, Luật Công chứng, bạn cần nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng tại phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng, bao gồm các tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng di sản của người để lại di sản, mối quan hệ giữa bạn và người để lại di sản, giấy tờ tùy thân của bạn. Cụ thể như sau: Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu; dự thảo văn bản khai nhận di sản; bản sao giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu) của bạn; bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà; giấy chứng tử của bố mẹ, ông bà nội, ngoại của bạn; giấy khai sinh của bạn. Khi bạn nộp đủ hồ sơ trên, tổ chức hành nghề công chứng sẽ ra một thông báo niêm yết tại UBND phường, nơi có di sản, trong thời hạn 30 ngày. Hết thời hạn trên, nếu không có ý kiến khiếu nại, tranh chấp gì, UBND phường sẽ xác nhận vào tờ thông báo và chuyển lại cho tổ chức hành nghề công chứng. Sau đó, công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng sẽ công chứng văn bản khai nhận di sản.
Sau khi hoàn thành thủ tục khai nhận di sản, bạn cần bổ sung thêm bản sao giấy tờ tùy thân của người mua và các tài liệu khác có liên quan để giao kết và yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Sau khi ký văn bản khai nhận di sản và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, các bên tiến hành nộp hồ sơ để sang tên cho người mua tại UBND cấp quận (huyện), nơi có di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.