(HNMCT) - Thư pháp và Graffiti là hai trường phái chơi chữ, đưa các ký tự, văn bản lên tầm nghệ thuật, qua đó truyền tải cái tôi, tính triết lý và tư tưởng, tình cảm, quan niệm của người nghệ sĩ hay nhà thư pháp.
Cái khác ở hai môn nghệ thuật này là tính đối lập giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự tự do, phóng khoáng với những chuẩn mực, quy tắc; giữa những định kiến với sự tôn trọng của xã hội. Mặc dù đối lập nhau như vậy nhưng nghệ thuật thư pháp và Graffiti lần đầu tiên có thể tìm được tiếng nói chung qua nhiều hoạt động tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong thời gian tới.
Khi chữ viết cũng là nghệ thuật
Từ xa xưa, thư pháp đã được coi là một môn nghệ thuật bác học ở châu Á, với nguồn gốc Hán tự, có xuất xứ lâu đời từ Trung Quốc và ảnh hưởng tới các nước khác, hình thành nên phong cách thư pháp Á Đông. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nghệ thuật thư pháp mang đặc trưng riêng, người Nhật gọi thư pháp là “thư đạo”, còn người Hàn Quốc gọi là “thư nghệ”.
Theo sử liệu, tại Việt Nam, thư pháp có lịch sử hình thành và phát triển từ khoảng 2.000 năm trước. Không bàn đến tính triết học cao sang của thư pháp, nhưng trong tâm thức của người Việt, nghệ thuật thư pháp gắn với những ký tự Hán, Nôm tại các đình chùa, miếu mạo hay hình ảnh ông đồ “Bày mực tàu, giấy đỏ” trong thơ của Vũ Đình Liên: “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa, rồng bay”. Mặc dù không có truyền thống thư pháp lâu đời như Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng nghệ thuật thư pháp của Việt Nam không chỉ là sự kế thừa tinh hoa của cha ông, mà còn có sự tiếp biến văn hóa khi đưa cả chữ Quốc ngữ - vốn là những con chữ Latinh cứng cáp theo chân các nhà truyền giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XVII, trở thành một hệ thống thư pháp đặc trưng của người Việt với những đường nét uyển chuyển, mềm mại không thua kém thư pháp Hán tự.
Cũng giống như thư pháp chữ Hán, thư pháp chữ Quốc ngữ vẫn truyền tải được tư duy, quan điểm nhân sinh quan cùng sự tài hoa, khả năng hội họa của người viết. Nói như thư pháp gia Nguyễn Thanh Tùng (bút hiệu Ngẫu Thư): “Nghệ thuật thư pháp là vẻ đẹp của tâm hồn, là sự hòa quyện với nét bút tạo thành tâm bút. Thông qua chữ viết, người xem có thể cảm nhận được tâm hồn, tình cảm và tinh thần của người viết. Cũng qua nét bút, người viết rèn luyện tinh thần”. Thư pháp gia trẻ tuổi này cũng đề cao cảm xúc trong nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ: “Chữ Việt - Latinh không có tượng hình, nhưng cảm xúc của người viết thì không thể không có. Từ cảm xúc có thể trao gửi năng lượng, có thể hình hóa thành đường nét biểu cảm”. Có thể thấy, thư pháp Việt, hay thư pháp chữ Quốc ngữ có vai trò, hình thức biểu hiện và sức sáng tạo không thua kém thư pháp chữ Hán hay các loại hình thư pháp của các nền văn hóa khác trên thế giới.
Trên thực tế, thư pháp đã hình thành và phát triển ở cả các nước phương Tây, thường được biết tới dưới cái tên “Calligraphy” - sự kết hợp giữa hai từ có nguồn gốc từ Hy Lạp: Calli và graphy với hàm nghĩa là “vẻ đẹp” và “viết chữ”. Bên cạnh Calligraphy còn có một lối chơi chữ nghệ thuật khác, đó chính là nghệ thuật Graffiti (phát triển từ chữ “graffito” trong tiếng Latinh, có nghĩa là “hình vẽ trên tường”), thường thấy trên các đường phố ở các nước phương Tây. Nếu như nghệ thuật thư pháp được thể hiện bằng bút lông, mực tàu lên bề mặt giấy, gỗ, đá hoặc mành tre... thì phương tiện thể hiện của nghệ thuật Graffiti chủ yếu là sơn, bình xịt hoặc một loại vật liệu bất kỳ lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng. Theo nhà sáng lập Công ty TNHH Mỹ thuật ứng dụng Xưởng Kiến, đồng thời là quản trị viên của trang fanpage Graffiti Việt Nam Đỗ Thế Thành, nghệ sĩ Graffiti đưa tác phẩm của mình lên tường để biểu hiện cái tôi của họ. Mỗi người có một phong thái, cách biểu hiện khác nhau, nhưng tựu trung đều là những tuyên ngôn và góc nhìn riêng của họ về các vấn đề xã hội.
Cuộc gặp gỡ của sự sáng tạo
Như vậy, có thể thấy, thư pháp và Graffiti là hai loại hình nghệ thuật tưởng như đối lập nhau nhưng lại có nhiều điểm tương đồng và đều mang trong mình sứ mệnh truyền tải những thông điệp nhất định của người nghệ sĩ và thư pháp gia đến với xã hội. Và bởi thế, việc đặt hai loại hình nghệ thuật này cạnh nhau sẽ mang lại nhiều điều thú vị mà từ trước đến nay chưa từng có. Đó cũng là ý tưởng sáng tạo, có phần “điên rồ” và mạo hiểm của các nghệ sĩ, nhà thư pháp trẻ, với sự đồng hành của Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong chuỗi hoạt động vào tháng 8-2022 tới. Mặc dù con đường đưa hai môn nghệ thuật này đến gần nhau có thể "gập ghềnh”, nhưng theo ý kiến của nhiều nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa lại hoàn toàn khả thi. Đặc biệt hơn, đây sẽ là cuộc gặp gỡ, đối thoại của những người trẻ theo đuổi các loại hình nghệ thuật tưởng chừng như khác biệt và đối lập nhau.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, trình diễn thư pháp là một trong những hoạt động thường niên tại đây, nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ có sự kết hợp của hai loại hình nghệ thuật này trong một không gian di sản đậm bản sắc văn hóa truyền thống như Văn Miếu - Quốc Tử Giám. “Với mong muốn đưa các hoạt động sáng tạo vào không gian di sản để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đồng thời tạo sân chơi cho những người làm sáng tạo, đặc biệt giới trẻ, chúng tôi xây dựng chuỗi hoạt động gồm tọa đàm, trình diễn, trưng bày triển lãm từ nay tới tháng 8-2022. Với những nội dung cụ thể, phù hợp nhằm tìm được tiếng nói chung giữa nghệ thuật thư pháp và Graffiti, mong rằng, qua “cuộc đối thoại” này, công chúng sẽ có cái nhìn khác về nghệ thuật thư pháp và Graffiti, từ đó khơi nguồn cho việc xây dựng các sản phẩm mang tính sáng tạo, tăng tính hấp dẫn cho điểm đến nhằm phục vụ công chúng Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát” - ông Kiêu chia sẻ.
Việc kế thừa, phát huy truyền thống và sáng tạo trên nền tảng di sản của ông cha là điều cần thiết và là quy luật của sự phát triển. Thư pháp gia Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: “Bất cứ một môn nghệ thuật nào cũng không thể đứng yên một chỗ. Nếu vậy, nó sẽ không còn giá trị đối với hiện tại mà chỉ còn là môn nghệ thuật của quá khứ. Nghệ thuật thư pháp vẫn duy trì được dòng chảy cho đến thời điểm hiện tại. Bối cảnh lịch sử khác nhau sẽ mang lại cho các nhà thư pháp những cảm hứng khác nhau. Cha ông ta đã có nhiều sự sáng tạo nghệ thuật thư pháp rất chuẩn mực, nhưng để phù hợp với đời sống hiện đại, chúng tôi kế thừa những kỹ thuật và cảm hứng nghệ thuật của cha ông, đồng thời sử dụng thêm các phương tiện hiện đại như chất liệu giấy mới, phương thức biểu đạt mới (chữ Latinh) để thể hiện quan điểm và sự sáng tạo của mình. Sự kết hợp giữa nghệ thuật thư pháp và Graffiti ban đầu có thể có những khó khăn nhất định, nhưng tôi tin mọi người sẽ chấp nhận như đã thừa nhận sự tồn tại của thư pháp chữ Quốc ngữ bên cạnh thư pháp Hán Nôm”.
Háo hức chờ đợi sự “nên duyên” của hai loại hình nghệ thuật này, nhà sáng lập Công ty TNHH Mỹ thuật ứng dụng Xưởng Kiến Đỗ Thế Thành cho biết: “Sự kết hợp giữa nghệ thuật Graffiti và thư pháp là tiếng nói chung giữa văn hóa truyền thống của Việt Nam với văn hóa đường phố phương Tây. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ chứng minh cho công chúng thấy, nghệ thuật Graffiti không phải là “bôi bẩn đường phố” mà đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. Qua cuộc đối thoại này, người xem sẽ nhận thấy sự khác biệt và bản sắc riêng của nghệ thuật Graffiti Việt Nam. Đó là một sự tiếp nhận văn hóa phương Tây không cứng nhắc, và khẳng định bản lĩnh của nghệ sĩ Việt khi kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống với đương đại”.
Đồng tình với quan điểm này, nghệ sĩ đa phương tiện và giám tuyển Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho rằng, cuộc đối thoại giữa nghệ thuật thư pháp và Graffiti là sự thấu cảm, thể hiện tinh thần cởi mở, chấp nhận và tôn vinh sự khác biệt: “Đấy chính là bản lĩnh Việt, là con đường mà các quốc gia văn minh đã đi qua và là sự tiếp nhận các giá trị mới, bảo lưu các giá trị cũ”.
Trên thế giới, không ít tác phẩm Graffiti đã bước từ đường phố vào các bảo tàng nghệ thuật danh giá. Và bởi thế, sự kết hợp lần này sẽ mang lại “hơi thở mới” và sự lột xác cho cả nghệ thuật thư pháp lẫn Graffiti, qua đó hướng đến đối tượng công chúng rộng rãi hơn, không chỉ là những người trẻ mà cả người lớn tuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.