Xã hội

Thu hút trí thức kiều bào góp tay xây dựng đất nước

Thu Hằng 14/05/2024 - 07:18

Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước là rất cần thiết.

Tuy nhiên, do nhiều bất cập, thời gian qua, công tác thu hút chuyên gia, trí thức, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia đóng góp vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ, xây dựng và phát triển đất nước còn hạn chế...

kieu-bao.jpg
Hội thảo Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao tổ chức. Ảnh: Ninh Cơ

Chính sách thu hút chưa đủ hấp dẫn

Trong thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là những lĩnh vực mới nổi như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn..., cộng đồng trí thức kiều bào là một nguồn lực dồi dào. Bộ Ngoại giao ước tính, có khoảng 600.000 người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên, làm việc nghiên cứu trong hầu hết các ngành, lĩnh vực khoa học mũi nhọn, từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học, đến hàng không, vũ trụ, hải dương… Nhiều chuyên gia, trí thức Việt kiều đã và đang có những đóng góp rất thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thu hút, trọng dụng chuyên gia nước ngoài, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) Phạm Việt Hùng cho rằng, các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ưu đãi hiện không còn phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, về tổ chức thực hiện chính sách, ở một số nơi, thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước. Do đó, nhiều trí thức còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao, vai trò của trí thức Việt kiều ở các trường đại học, viện nghiên cứu chưa được đề cao. Ngoài ra, tình trạng thiếu thốn các điều kiện làm việc như phòng thí nghiệm, mối liên hệ quốc tế, ê kíp cộng sự mạnh... cũng được xem là những khó khăn không nhỏ.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Thị Vân Anh cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã rất nỗ lực, nhưng việc thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài vẫn bị ràng buộc bởi hệ thống pháp luật chung, khó có thể vượt qua. Những chính sách về tiền lương, thu nhập, ưu đãi, ghi nhận, tôn vinh với trí thức người Việt ở nước ngoài còn khiêm tốn.

Hơn nữa, trên thực tế, số lượng trí thức người Việt Nam rất đông đảo, nhưng nước ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu để chủ động khai thác, phát huy. Do đó, kết quả hoạt động thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài còn chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng người về nước làm việc lâu dài, số công trình đề tài nghiên cứu, phát minh, các kết quả có tầm ảnh hưởng thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực còn hạn chế...

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để thu hút nhân tài, chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài về nước tham gia đóng góp trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các chuyên gia cho rằng, rất cần có một kế hoạch, chiến lược cụ thể định hướng ưu tiên trong thời gian tới.

Trong đó, theo Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Cương Hoàng, cần có cơ chế đột phá nhằm thu hút nhân tài, như: Hỗ trợ học phí; ưu đãi về đất đai để xây dựng cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo; chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân...

Về vấn đề cơ chế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Thị Vân Anh cho biết, trước đây, các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ ở trong nước là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài bị một số ràng buộc về điều kiện, tiêu chuẩn... Để tháo gỡ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 2 thông tư: Thông tư số 05/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Thông tư số 07/2023/TT-BKHCN quy định việc thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

“Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các cơ chế thử nghiệm chính sách mang tính đặc thù, vượt trội, trong đó có chính sách về nhân lực khoa học và công nghệ; thu hút, trọng dụng người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ… để đề nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện, cải thiện chính sách”, bà Phạm Thị Vân Anh thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút trí thức kiều bào góp tay xây dựng đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.