(HNM) - Theo chiến lược phát triển KT-XH TP Hà Nội đến năm 2020, UBND TP Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, tăng cường cải cách hành chính...
Để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này, ước tính tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của thành phố giai đoạn 2011-2020 lên tới 524.451 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố mới đáp ứng được khoảng 30%. Huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt là thực hiện mô hình hợp tác công - tư (PPP) sẽ giúp TP Hà Nội bù đắp nguồn vốn còn thiếu hụt, đồng thời có thể phát huy ưu thế về vốn, trình độ quản lý và công nghệ của các đối tác, đặc biệt là những đối tác nước ngoài.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong thời gian tới là phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Ảnh: Vũ Quang Ngọc |
Mô hình hợp tác công - tư PPP (Public Private Partner) là mô hình hợp tác mà nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các công trình, dịch vụ công cộng. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao. PPP sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn bảo đảm lợi ích cho cộng đồng. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, chính phủ không đủ nguồn lực để bảo đảm cung cấp toàn bộ nguồn vốn cho đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng. Song cũng không nhà đầu tư tư nhân nào có thể đứng ra đảm trách toàn bộ những dự án quan trọng này, vì đây là lĩnh vực có hiệu quả kinh tế thấp và độ rủi ro cao. Trên thế giới, mô hình PPP đã được áp dụng để xây dựng các kênh đào tại Pháp vào thế kỷ XVIII, các cây cầu lớn ở London vào thế kỷ XIX. Tại các nước đang phát triển, mô hình PPP bắt đầu phổ biến từ đầu những năm 1990. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, trong 20 năm (1990-2009), đã có 4.569 dự án được thực hiện theo phương thức PPP ở các nước đang phát triển với tổng vốn cam kết đầu tư 1.515 tỷ USD…
Châu Á đang ở trong giai đoạn phát triển nhanh, nhu cầu về dịch vụ công cộng cũng như cơ sở hạ tầng rất lớn đã khiến mô hình PPP ra đời và nhanh chóng thu được hiệu quả cao trên thực tế. Nhật Bản là một trong những nước đã phát triển mạnh nhất mô hình PPP tại khu vực Châu Á. Theo kinh nghiệm của quốc gia này, có hai lĩnh vực mà mô hình PPP có thể phát huy hiệu quả, đó là các dự án không thể hoặc khó áp dụng phương pháp cổ phần hóa và các dự án mà nhà nước không thể tham gia trực tiếp. Đây là những dự án phân phối điện, xây dựng đường cao tốc, giao thông đô thị, cấp nước và các dịch vụ công cộng. Trong bối cảnh nhu cầu cơ sở hạ tầng tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh, song ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ có giới hạn, hợp tác công tư (PPP) đóng vai trò như một đòn bẩy đối với các nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân nhằm cải thiện chất lượng và mở rộng độ bao phủ của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện nay.
Theo chiến lược phát triển KT-XH của Thủ đô Hà Nội, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của thành phố giai đoạn 2011-2020 lên tới 524.451 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố chỉ đáp ứng được 29% nhu cầu. Số vốn còn thiếu lên tới 371.653 tỷ đồng, tương đương 71%. Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội đã xác định, hình thức đầu tư PPP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn lực để thực hiện những dự án trọng điểm. Với việc chuyển giao cho các nhà đầu tư tại khu vực tư nhân có tiềm lực mạnh về nguồn vốn và khoa học công nghệ, hình thức đầu tư PPP sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về ngân sách trong tiến trình xây dựng Thủ đô trở thành một đô thị hiện đại với hệ thống các công trình phục vụ an sinh xã hội chất lượng cao.
Hình thức đầu tư PPP sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách trong tiến trình xây dựng Thủ đô. Ảnh: Huy Hùng |
Với 4 chức năng, nhiệm vụ: huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đầu tư trực tiếp vào các dự án, cho vay đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH; ủy thác cho vay đầu tư, cấp phát vốn đầu tư để huy động vốn theo ủy quyền của UBND TP, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội (ĐTPTHN) đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các phương thức tổ chức thực hiện những nhiệm vụ được giao. Thực hiện chức năng huy động vốn, Quỹ đã tham mưu cho UBND TP trong việc thu hút đầu tư từ các tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước, qua đó bổ sung nguồn vốn phục vụ triển khai những dự án đầu tư công quan trọng trên địa bàn theo hình thức PPP góp phần quan trọng nhằm phát triển hạ tầng của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước còn eo hẹp.
Ngay trong những ngày đầu tháng 2 này, Thành ủy, UBND TP Hà Nội sẽ có buổi làm việc với đại diện JIBIC nhằm cụ thể hóa những điều khoản hợp tác đã nêu trong 2 biên bản ghi nhớ. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa JIBIC và UBND TP Hà Nội, dự kiến trong một tương lai không xa, nhiều dự án hạ tầng quan trọng trên địa bàn sẽ được thực hiện, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội đã đề xuất UBND TP áp dụng mô hình PPP tại: dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 (đoạn còn lại trên địa bàn Hà Nội), dự án đường sắt đô thị tuyến số 6 (Nội Bài - Phủ Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi), dự án nhà máy nước mặt sông Hồng và mạng cấp nước. Với những nỗ lực của quỹ, UBND TP Hà Nội và Ngân hàng JIBIC Nhật Bản đã ký kết các biên bản thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác đầu tư. Theo 2 biên bản ghi nhớ, phía JIBIC sẽ phối hợp thực hiện, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khả thi và tham gia đầu tư vốn, công nghệ, quản lý vận hành tại những dự án đã được Quỹ ĐTPTHN đề xuất. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.