(HNM) - Thống kê trên địa bàn thành phố có 2.640 nghĩa trang nhân dân, với tổng diện tích 2.744ha, chiếm 0,82% diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 4 nghĩa trang cấp thành phố, 3 nghĩa trang cấp huyện, còn lại là nghĩa trang xã, thôn nằm rải rác cùng các khu dân cư.
Quy định thiếu, tập quán khó thay đổi
Sau quá trình đô thị hóa, nhiều làng trở thành phố, phường, thì cũng có không ít khu mộ gia đình, dòng họ, thậm chí cả nghĩa trang nằm xen giữa khu đô thị. Nhà ở xây sát mộ, không còn lối đi, muốn vào thăm viếng phải trèo lên các mộ khác; không bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn của nghĩa trang. Tuy nhiên, rất khó di chuyển mộ phần vào nghĩa trang tập trung theo quy hoạch nếu như không nằm trong phạm vi dự án thu hồi đất; bởi về lý, hầu hết khu mộ gia đình, dòng họ hay nghĩa trang xen kẹt giữa khu dân cư hình thành lâu đời, trước khi các văn bản quy chuẩn, tiêu chuẩn nghĩa trang ban hành. Về tâm linh, mỗi địa phương có phong tục tập quán an táng riêng rất khó thay đổi ngay.
Một góc Công viên Vĩnh Hằng. Ảnh: Bảo Lâm |
Khó giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng là tình trạng của các dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang mới theo quy hoạch. Hiện thành phố đang lập quy hoạch chi tiết và triển khai GPMB 7 dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang, như Yên Kỳ mở rộng, Vĩnh Hằng mở rộng (huyện Ba Vì), Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước (huyện Mê Linh), Nghĩa trang Trần Phú (huyện Chương Mỹ), Nghĩa trang Bắc Sơn, Minh Phú (huyện Sóc Sơn)…
Các dự án này đầu tư theo hình thức xã hội hóa, được ưu đãi hỗ trợ một số công trình ngoài hàng rào như giao thông, cấp - thoát nước và công trình hạ tầng xã hội cho khu vực dự án. Tổng mức đầu tư, kể cả phần xây dựng nghĩa trang và hỗ trợ hạ tầng, xấp xỉ 800 tỷ đồng. Thế nhưng, tiến độ hầu hết các dự án đều chậm so với kế hoạch, do vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân địa phương. Có những dự án kéo dài hết năm này sang năm khác mà không thể đo đạc, kiểm đếm được diện tích GPMB. Về chủ quan, việc lập quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang cũng hạn chế, không bảo đảm yêu cầu của thành phố. Kinh phí hỗ trợ hạ tầng dự án thiếu hụt. Việc rà soát, cập nhật quy hoạch hệ thống nghĩa trang vào quy hoạch nông thôn mới chưa được thực hiện, hoặc chưa rõ địa điểm, chưa đưa vào kế hoạch sử dụng đất… nên khó kêu gọi đầu tư.
Theo báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội về quản lý, đầu tư hệ thống nghĩa trang, các nghĩa trang cấp xã (hiện chiếm phần lớn) có ban quản lý hoặc cán bộ quản trang tăng từ 45% năm 2011 lên 80%; số nghĩa trang có nội quy, quy chế quản lý tăng từ 19% năm 2011 lên 80% năm 2015. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng vẫn thiếu chặt chẽ, không thống nhất, chủ yếu theo tiền lệ, phong tục tập quán, hương ước địa phương. Mô hình quản lý chưa rõ, nơi giao cho cán bộ quản trang, nơi giao cho trưởng thôn quản lý, trông coi. Dịch vụ xây cất, vệ sinh môi trường còn tùy tiện; vi phạm về sử dụng, giá dịch vụ, khoảng cách mộ, kích thước, kiểu dáng… chưa được xử lý. Việc thay đổi phong tục, tập quán an táng không dễ, phải có thời gian, nhưng một số quy định cũng chưa thật sự phù hợp (như quy định khoảng cách giữa nghĩa trang và khu dân cư); một số nội dung Chính phủ giao cho bộ, ngành hướng dẫn chậm được thực hiện...
Phải có cơ chế thỏa đáng
Theo kế hoạch phát triển hệ thống nghĩa trang thành phố đến năm 2020, Hà Nội có thêm nghĩa trang cấp thành phố tại Minh Phú, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), Xuân Nộn (huyện Đông Anh), Trung Màu (huyện Gia Lâm), Trần Phú (huyện Chương Mỹ), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Ngoài ra, sẽ xây dựng mới 11 nghĩa trang cấp huyện. Khu vực nông thôn, tiếp tục sử dụng nghĩa trang phân tán hiện có, tuy nhiên, những nghĩa trang quy mô nhỏ, không đủ khoảng cách cách ly hoặc trong quy hoạch sử dụng đất phải có kế hoạch đóng cửa.
Để bảo đảm thống nhất trong các văn bản luật, HĐND thành phố đã kiến nghị sớm ban hành nghị định mới về đầu tư, quản lý nghĩa trang nhân dân để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Đối với UBND thành phố, phân công, phân cấp nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện theo hướng rõ thẩm quyền, trách nhiệm, rõ cơ quan chủ trì; gắn trách nhiệm đầu tư với trách nhiệm quản lý, sử dụng; chỉ đạo quận, huyện rà soát nghĩa trang hiện có, cập nhật vào quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn mới, xây dựng lộ trình đóng cửa nghĩa trang không bảo đảm quy chuẩn theo quy hoạch.
HĐND thành phố cũng kiến nghị tăng tỷ lệ nghĩa trang cấp thành phố đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hỏa táng. Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, nếu muốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng nghĩa trang, phải có cơ chế chính sách thỏa đáng, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư. Đây là những cơ chế chính sách đang thiếu và chưa rõ ràng, khiến nhiều dự án đầu tư chậm trễ khi triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.