(HNM) - Thời gian qua, Nhà nước đã có không ít chính sách thu hút và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nhưng số lượng chưa nhiều. Rào cản phần lớn là do chính sách thuế, đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính… chưa phù hợp với thực tiễn.
Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất nấm kim châm tại Công ty TNHH Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Bá Hoạt |
Bất cập từ chính sách đến thực tiễn
Hiện việc thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn nhiều bất cập, từ công tác xây dựng chính sách cho đến tổ chức thực hiện. Khảo sát 100 doanh nghiệp của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho thấy: 63,5% doanh nghiệp cho rằng tiếp cận đất đai gặp khó khăn; 49,7% doanh nghiệp gặp khó trong việc thực thi các chính sách thuế, phí...
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá: Trước những khó khăn khi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng sau 4 năm thực hiện, chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Nguyên nhân là do chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, nhiều tiêu chí quy định quá cao (quy mô, công suất, công nghệ, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương), thủ tục phức tạp, nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn hỗ trợ. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đa số quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong khi ngân sách trung ương chỉ "gánh" cho dự án có mức đầu tư trên 2 tỷ đồng, dẫn đến nhiều dự án đề xuất theo Nghị định không nhận được hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Ngoài ra, kinh phí ngân sách bảo đảm thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn thấp và chậm.
Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho biết: Giai đoạn 2015-2017, ngân sách trung ương chỉ có thể cân đối hỗ trợ 379,5 tỷ đồng cho 64 dự án tại 23 địa phương với tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng. Các địa phương cam kết hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng, nhưng do vướng mắc nên nhiều tỉnh, thành phố thực hiện chậm, thiếu quyết liệt, chưa quan tâm dành từ 2 đến 5% ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp như quy định.
Theo ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình thì thủ tục hành chính rất phức tạp. Nhiều tiêu chí có định mức quá cao hoặc khó xác định nên doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách như: Để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương.
Trên thực tế, hầu hết các dự án rất khó đạt mức tăng tỷ lệ giá trị chế biến trên 2 lần; doanh nghiệp phải sử dụng cả nguyên liệu và lao động ở các địa phương khác vào làm việc vì lao động ở tại nơi nhà máy “đứng chân” không đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn và tay nghề. Do đó, hầu hết doanh nghiệp rất khó đáp ứng các tiêu chí trên để được tiếp cận chính sách ưu đãi.
Đơn giản hóa thủ tục, bỏ cơ chế "xin - cho"
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trước hết, cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Trần Mạnh Báo, khi xin chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, thực hiện quy hoạch tỷ lệ 1/500, doanh nghiệp hiện phải thực hiện khoảng 16 công đoạn, 40 văn bản liên quan để triển khai dự án. |
Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành đề nghị: Các bộ, ngành khi tham mưu cho Chính phủ sửa đổi chính sách hỗ trợ phải minh bạch, rõ ràng, bỏ việc lồng ghép cùng với các chương trình khác. Nếu doanh nghiệp cần đất để xây dựng nhà máy, Nhà nước nên cho vay lãi suất 0% với thời hạn 20 năm; miễn thuế VAT cho tất cả các loại nông sản, phí nhập khẩu thiết bị phục vụ nông nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân loại doanh nghiệp được hỗ trợ cho phù hợp…
Theo ý kiến ông Nguyễn Viết Hải, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Pan (TP Hồ Chí Minh) thì chính sách sửa đổi hỗ trợ doanh nghiệp cần theo hướng tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"; chính sách hạn điền, nhưng cần quản lý chặt chẽ để không chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác… Cũng nên có ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vùng sâu, vùng xa bởi chi phí cao, nhiều công đoạn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các đơn vị được giao nhiệm vụ rà soát, chỉnh sửa Nghị định 210 cần phù hợp với vấn đề hội nhập, tình hình kinh tế và đủ sức hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Theo đó, kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt bằng, hạ tầng… Mặt khác, chính sách sửa đổi nên tập trung vào tháo gỡ đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ cơ chế “xin - cho”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.