(HNM) - Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) từ đầu năm đến nay không như mong muốn với số vốn đăng ký mới chỉ bằng khoảng 80% cùng kỳ năm ngoái trong khi số lượng dự án mới cấp phép lại nhiều hơn.
Như vậy, quy mô về vốn trung bình của mỗi dự án mới cấp phép đã giảm, thiếu vắng những dự án ĐTNN quy mô lớn. Vấn đề đặt ra là tìm giải pháp thu hút dự án đầu tư lớn, góp phần thay đổi cục diện về ĐTNN trong thời gian tới.
Xu hướng "co ngót" quy mô dự án
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ có thực tế nói trên là do phần lớn các nhà ĐTNN đang trong tình trạng khó khăn, chưa thoát hẳn ra khỏi vòng ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, cũng như đứng trước áp lực phải thực hiện tái cơ cấu đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Điều này khiến giới đầu tư "ngoại" trở nên thận trọng trước khi ra quyết định đầu tư.
Giới chuyên gia nhận định rằng, tuy số vốn ĐTNN đổ vào Việt Nam trong thời gian qua giảm, nhưng giảm không nhiều và cũng có thể được coi như một sự "cầm cự" đáng ghi nhận. Thực tế đó cũng đặt ra một yêu cầu đối với Chính phủ, cơ quan hữu quan là sớm nghiên cứu, tìm biện pháp phù hợp để kích thích dòng vốn ngoại "chảy" mạnh hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ động tuyên truyền, theo tinh thần "đúng lúc, đủ liều" về nội dung, trong đó nhấn mạnh những quy định, sự thuận lợi, thông thoáng của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) đến cộng đồng nhà ĐTNN. Nói như các chuyên gia, phải coi đó như một minh chứng của sự cầu thị, mời gọi ĐTNN với tinh thần chủ động, tạo điều kiện và sự hỗ trợ cao nhất đối với từng dự án triển khai đầu tư ở Việt Nam.
Luật Đầu tư và Luật DN, với nhiều nội dung, quy định tiến bộ mang mục đích vì lợi ích của DN vừa chính thức có hiệu lực sẽ là động lực to lớn tạo ra sự hấp dẫn và trực tiếp thúc đẩy sự gia tăng nguồn vốn ĐTNN vào Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ triển khai dự án, tiến tới kiểm soát tốt và khắc phục tình trạng nhà đầu tư nhận giấy phép rồi để đấy cũng như sẵn sàng xử lý, thậm chí kiên quyết rút giấy phép nếu nhà đầu tư không có lý do chính đáng cho việc không triển khai dự án. Quan điểm này đang là bước đi có tính chất nhất quán và mạnh mẽ của nhiều địa phương, nhất là đối với một số tỉnh, thành phố giàu tiềm năng như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Định… Trên thực tế, hằng năm các địa phương cũng tập trung đánh giá và xử lý những trường hợp vi phạm, từ đó tạo ra sự chuyển biến đáng ghi nhận. Nhìn chung, nhiều địa phương đều đã thông suốt quan điểm là ưu tiên thu hút ĐTNN, nhưng không thu hút vốn bằng mọi giá, kết hợp với việc tạo điều kiện thuận lợi, đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư trong việc tiếp cận, triển khai dự án trên địa bàn.
Hy vọng xuất hiện những dự án lớn
Trong một diễn biến mới nhất, dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, thương mại tổng hợp quốc tế của Công ty đa quốc gia TNHH New City Việt Nam, với số vốn đầu tư 1 tỷ USD vừa khởi công tại Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Sự kiện này có tác dụng hâm nóng việc ĐTNN tại khu vực Trung Bộ vốn giàu tiềm năng du lịch biển. Đây cũng là một ví dụ cho việc kiên trì kết hợp, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng nhà ĐTNN của chính quyền địa phương sau thời gian theo đuổi và tìm cách khắc phục khó khăn của cả hai bên.
Dự báo, một số dự án lớn, có vốn 300 triệu USD trở lên có thể xuất hiện trong những tháng tới, làm bức tranh ĐTNN sáng hơn và chủ yếu đến từ Mỹ, các nước Trung Đông, Hàn Quốc. Các dự án này là kết quả tích cực từ việc Việt Nam đã và sắp ký kết những hiệp định thương mại tự do (FTA) với đối tác quan trọng như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam với liên minh kinh tế Á - Âu hoặc TPP.
Một số chuyên gia cũng khuyến nghị, chính quyền các địa phương cần duy trì sự quan tâm, chăm sóc các dự án đang hiện diện trên địa bàn, tập trung tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho họ hoạt động có hiệu quả. Thông qua sự chia sẻ trên tinh thần kịp thời, cầu thị sẽ tạo ra sự gắn bó, sẵn sàng hợp tác giữa chính quyền sở tại và nhà đầu tư; tạo ra niềm tin, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Mặt khác, nếu làm tốt việc này cũng như là một biện pháp thiết thực để bảo đảm việc làm, thu nhập đối với người lao động và an sinh xã hội một cách lâu dài. Kinh nghiệm cho thấy, một khi hấp dẫn được những dự án quy mô lớn, sức lan tỏa rộng sẽ tạo ra hiệu ứng tổng hợp, kéo theo nhiều dự án nhỏ để nâng cao nguồn thu vào ngân sách và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn cấp tỉnh hoặc khu vực.
Được biết, 6 tháng đầu năm nay, khu vực ĐTNN đã giải ngân 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ, tức cao gần gấp đôi so với dự báo là tăng 5%. Đây là kết quả rất khả quan, thể hiện rõ niềm tin và quyết tâm làm ăn lâu dài của các nhà đầu tư. Điều này cũng trùng hợp với quan điểm của một số nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… khi họ xác nhận Việt Nam là địa bàn ưu tiên đầu tư hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế, mức giải ngân của khu vực ĐTNN đã, đang tăng qua các tháng, bởi tốc độ tăng trong các tháng trước luôn đạt từ 5% đến trên 7% so với cùng kỳ, rồi tăng lên mức 9,6%. Từ đó, hy vọng cục diện về ĐTNN sẽ có thay đổi trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.