(HNM) - Thời gian qua, ngành chăn nuôi của TP Hà Nội đã có bước tăng trưởng khá, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thấy rõ, nhiều bất cập đã nảy sinh gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng trực tiếp đến môi sinh.
Giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoài Hữu |
Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nước với 17,9 triệu con gia cầm, 1,52 triệu con lợn và hơn 200.000 con trâu, bò. Tính trung bình mỗi năm lĩnh vực chăn nuôi của Hà Nội thải ra môi trường gần 2,2 triệu tấn chất thải các loại. Do chăn nuôi còn mang nặng tính tự phát, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư chiếm tới trên 60% và thiếu sự quan tâm xử lý chất thải chăn nuôi đúng mức nên chỉ một phần nhỏ số đó được ủ làm phân bón cho cây trồng, còn lại thải trực tiếp ra kênh mương, ao hồ và hệ thống cống rãnh thoát nước trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và con người.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi có nhiều công nghệ, trong đó hai biện pháp được đánh giá có nhiều ưu điểm là sử dụng công nghệ khí sinh học biogas và chế phẩm sinh học EM. Tuy nhiên, do sự hỗ trợ còn hạn chế và thiếu sự quan tâm nên việc áp dụng công nghệ khí sinh học ở nhiều địa phương hiệu quả thấp. Với 18.965 hộ chăn nuôi, huyện Phúc Thọ được đánh giá là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển lĩnh vực này nhưng đến nay mới xây dựng được 1.606 hầm khí biogas, trong đó có 482 hầm được hỗ trợ 20% kinh phí từ ngân sách để xây dựng (tương đương 1 triệu đồng/hầm). Tương tự, huyện Quốc Oai có 14.312 hộ chăn nuôi, số lượng hầm khí biogas được xây dựng là 1.505 hầm thì chỉ có 305 hầm được hỗ trợ kinh phí; huyện Phú Xuyên 13.294 hộ chăn nuôi, có 221/1.407 hầm được hỗ trợ kinh phí; thị xã Sơn Tây 8.448 hộ chăn nuôi thì chỉ 322 hộ có hầm biogas với 125 hầm được hỗ trợ kinh phí. Cá biệt, huyện Từ Liêm với 2.436 hộ chăn nuôi nhưng chỉ xây dựng được 13 hầm khí biogas và có 6 hầm được hỗ trợ kinh phí. Trong khi đó, việc xây dựng và sử dụng hầm khí biogas của nhiều hộ gia đình chưa bảo đảm kỹ thuật, nhanh bị hỏng, không phát huy được tác dụng. Thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2004 đến nay, các địa phương mới xây dựng được khoảng 12.126 hầm khí biogas - một số lượng quá thấp so với tổng số hộ chăn nuôi trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hơn 3.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công nằm len lỏi trong khu dân cư và 15 cơ sở giết mổ bán thủ công chưa có hệ thống xử lý chất thải mà xả thẳng ra khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Để hạn chế tình trạng này, ngoài 6 cơ sở giết mổ công nghiệp hiện có trên địa bàn, TP đang triển khai 12 dự án, dự kiến đến năm 2013 có thêm 58 điểm giết mổ tập trung tại 17 huyện, thị xã. Từ nay đến năm 2020, TP sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 cơ sở giết mổ công nghiệp tại huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ với diện tích 20ha. Tuy nhiên, việc triển khai gặp quá nhiều khó khăn do thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp, nhất là trong công tác quy hoạch, thủ tục thuê đất, giải phóng mặt bằng... Trong khi đó, các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung hiện có được đầu tư, trang bị dây chuyền hiện đại, công suất từ 300-500 con/giờ nhưng việc vận hành, hoạt động lại hết sức khó khăn do không cạnh tranh được với các cơ sở nhỏ lẻ. Điều đó dẫn đến tình trạng giết mổ trong khu dân cư vẫn diễn ra phổ biến gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng trên, các ngành các cấp cần quyết liệt chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường tại các vùng chăn nuôi tập trung cũng như tại các hộ gia đình; khuyến khích việc áp dụng quy trình chăn nuôi tốt và chăn nuôi sản xuất carbon thấp. Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm các cơ sở chăn nuôi, giết mổ chế biến gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh chương trình khí sinh học và tập trung hỗ trợ đầu tư cho các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư và giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ để kiểm soát và xử lý chất thải. Đối với các lò giết mổ thủ công, thời gian trước mắt có thể vẫn cho phép hoạt động nhưng phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực hoạt động.
Theo thống kế của Sở NN&PTNT Hà Nội, TP đã hình thành 1.875 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó có 416/722 trang trại chăn nuôi lợn quy mô trên 20 lợn nái và 100 lợn thịt trở lên; với 1.153 trang trại nuôi gia cầm thì chỉ có 925 hộ chăn nuôi từ 1.000 gà đẻ, 2.000 gà thịt trở lên. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.