Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ đô Hà Nội - Vị thế đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc

Hồng Sơn| 19/08/2015 06:27

(HNM) - Với vị thế đặc biệt, Hà Nội đóng vai trò là đầu mối sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là dẫn dắt hoạt động kinh tế của cả khu vực phía Bắc, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...


Thế mạnh hàng đầu

Hiện nay, Hà Nội có hơn 100.000 DN đang hoạt động, là địa phương có số DN hàng đầu cả nước; từ đó cho số thu ngân sách liên tục vượt trội trong nhiều năm qua. Các chuyên gia cũng đánh giá cao khả năng thích ứng với sự thay đổi, trình độ quản lý nói chung của giới chủ DN trên địa bàn. Hà Nội cũng là thành phố đi đầu cả nước trong việc chủ động mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như làm đầu mối liên kết, giới thiệu dự án cho các địa phương lân cận. Nhờ đó mà Thủ đô luôn đạt mức tăng trưởng GDP cao gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước và thu nhập bình quân cũng đạt hạng cao.

Hà Nội có nhiều doanh nghiệp hàng đầu cả nước, số thu ngân sách liên tục vượt trội trong nhiều năm qua. Ảnh: Bảo Lâm


Trong quá trình hội nhập, Hà Nội đã giao lưu, hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để tận dụng cơ hội kết hợp phát huy tiềm năng và sức mạnh của mình. Nhiều công trình hạ tầng hiện đại, hướng tới sự đồng bộ đã, đang hình thành sẽ là nguồn giá trị tổng hợp để hấp dẫn thêm các nguồn lực cho phát triển trong thời gian tới. Các chuyên gia nhấn mạnh, Hà Nội với hơn 7 triệu dân và khoảng 1 triệu người vãng lai thường xuyên đang là một thị trường có sức hấp dẫn, lôi cuốn sự tham gia của DN thuộc hầu hết các thành phần kinh tế. Thực tế cho thấy, qua thời gian các cơ sở vật chất phục vụ giao thương, bán buôn, bán lẻ đã hình thành và từng bước tạo dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại. Đơn cử, như các siêu thị Big C, Hapro, Fivimart… bên cạnh hàng trăm chợ trên địa bàn, với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trung bình trên địa bàn đạt hơn 150.000 tỷ đồng/tháng. Đây là con số rất lớn, thể hiện quy mô hàng đầu và cũng xác định tầm quan trọng, lực hút của thị trường Hà Nội.

Chủ động liên kết

Với thế mạnh kể trên, vấn đề đặt ra là làm sao liên kết chặt chẽ giữa sản xuất lưu thông hàng hóa, tức là phân công lao động một cách hợp lý để các tỉnh lân cận trở thành những vệ tinh, địa chỉ uy tín trong việc cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm có chất lượng, đồng đều về mẫu mã, hợp lý về giá cả cho thị trường Hà Nội. Đây là câu chuyện dài và đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều phía. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần tập trung vào thế mạnh của từng đối tác, dựa trên đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện phát triển cây, con để đặt hàng cụ thể. Theo lẽ tự nhiên, các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên đều có truyền thống làm nông nghiệp, đã hiểu "gu" tiêu dùng của thị trường Thủ đô. Vấn đề là làm sao ngành chức năng có những hoạt động cụ thể để thắt chặt quan hệ, tạo niềm tin với các đối tác. Đặc biệt, trong những tình huống cần thiết, DN Hà Nội có thể hùn vốn đầu tư, hoặc ứng vốn cho đối tác để nâng cao lòng tin, tạo điều kiện cho đối tác thực hiện hợp đồng một cách suôn sẻ hơn.

Các DN Hà Nội cũng cần chủ động phát huy thế mạnh, sự năng động về hoạt động xuất khẩu để làm đầu mối xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ có xuất xứ từ các tỉnh bạn. Hiện, các chuyên gia đánh giá tích cực về sự tiện lợi, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng của Thủ đô - đầu mối phân phối, vận chuyển hàng hóa đi các địa phương hoặc xuất hàng qua đường hàng không, đường biển (qua cảng Hải Phòng). Ngoài ra, DN Hà Nội cũng có thế mạnh về công nghệ, mối giao lưu sẵn có với bạn hàng nước ngoài nhằm thu mua, chế biến nhiều loại sản phẩm để xuất khẩu.

Được biết, Sở Công thương Hà Nội đang xây dựng kế hoạch về "Chương trình liên kết công nghiệp, thương mại giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố". Nội dung chủ yếu gồm: Hỗ trợ các tỉnh trong việc khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, thủ công mỹ nghệ… bằng cách tổ chức các sự kiện giao thương, tìm hiểu nhu cầu cung ứng giữa các bên. Tạo điều kiện cho DN Hà Nội và các tỉnh, thành phố được tạo lập văn phòng đại diện, cơ sở thu mua… hoặc hợp tác đầu tư tại các địa phương nhằm khai thác, tiêu thụ nguồn hàng hóa thế mạnh tại thị trường các tỉnh, thành phố và đẩy mạnh xuất khẩu. Cung cấp thông tin, khuyến khích DN đi nghiên cứu, khảo sát thị trường, tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại ở các tỉnh; đẩy mạnh hoạt động trao đổi về lĩnh vực tư vấn phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho DN công nghiệp Hà Nội di chuyển địa điểm sản xuất, mở rộng đầu tư tại địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô Hà Nội - Vị thế đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.