Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông điệp từ ''cây gậy trắng''

Vũ Minh| 27/02/2023 07:28

(HNM) - Dự án “Cây gậy trắng” được triển khai trong những năm gần đây mang lại những giá trị hữu ích cho người khiếm thị, chuyển tải những thông điệp nhân văn đến cộng đồng. Tiếc rằng, vì nhiều lý do, dự án này vẫn khó mở rộng đến tất cả người khiếm thị ở nước ta.

Đại diện Hội Người mù Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cây gậy trắng từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, các cơ quan chức năng đã ghi nhận khoảng 6 triệu trường hợp là người khuyết tật, bằng gần 7% tổng dân số. Trong đó, người khiếm thị (người bị mù hoặc có thị lực rất kém) có khoảng 2 triệu người, bằng hơn 2% dân số. Để giúp đỡ người khiếm thị vươn lên, tự tin hòa nhập, những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội luôn quan tâm chăm lo về nhiều mặt cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng. Tuy nhiên, đối với người khiếm thị, nhu cầu đi lại, tham gia giao thông của họ còn gặp không ít khó khăn.

Nguyên nhân là do lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông dày đặc, vỉa hè ít nơi thông thoáng, đường đi lối lại dành riêng cho người khuyết tật chưa có nhiều... Trong khi đó, đời sống của đa số người khiếm thị còn khó khăn, nên họ chưa đủ khả năng tự trang bị công cụ hỗ trợ cho việc di chuyển. “Việc thiếu những cây gậy thông minh, những phương tiện di chuyển hữu ích, phù hợp với người khiếm thị, khiến nhiều người ít đi lại, ngại giao tiếp, hiếm khi đến nơi công cộng”, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh trăn trở.

Giúp người khiếm thị có thêm động lực, cơ hội, niềm tin để vươn lên, những năm gần đây, Hội Người mù Việt Nam tăng cường huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ công cụ, phương tiện đi lại cho họ. Trong đó, “Cây gậy trắng” là biểu tượng của cộng đồng người khiếm thị trên thế giới, đồng thời là công cụ hữu ích giúp những người khiếm thị đi lại an toàn được các bên quan tâm trang bị.

Chung tay chăm lo cho đời sống của người khiếm thị, bắt đầu từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Dự án “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”, với mục tiêu hỗ trợ 1 triệu người mù, người khiếm thị có cơ hội di chuyển dễ dàng hơn. Cùng với việc tặng cây gậy, các bên còn tổ chức tập huấn cách thức sử dụng gậy sao cho an toàn kèm theo kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hòa nhập cho người khiếm thị. Sau gần 4 năm triển khai, Dự án “Cây gậy trắng” đã giúp hàng vạn người khiếm thị ở nhiều tỉnh, thành phố tìm thấy “ánh sáng” từ sự tự tin.

Tại Hà Nội, Hội Người mù thành phố phân công cán bộ, hội viên có kinh nghiệm tiến hành tập huấn kỹ năng định hướng di chuyển bằng “Cây gậy trắng” cho người khiếm thị tại các quận, huyện, thị xã. Mỗi người cần định hướng không gian, xác định rõ lộ trình di chuyển và ghi nhớ những dấu mốc trên lộ trình. Trong quá trình di chuyển, người khiếm thị dùng "Cây gậy trắng" dò đường, cũng là biểu tượng, tín hiệu để người sáng mắt biết rõ họ nên nhường đường hoặc trợ giúp cho người khiếm thị khi cần thiết. Ngoài ra, khi di chuyển, người khiếm thị dùng cây gậy gõ vào những vật xung quanh, phân biệt từng âm thanh phát ra để chủ động nhận diện các điểm mốc, chướng ngại vật cần tránh… Theo Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm Hoàng Văn Lý, nhờ "Cây gậy trắng" cùng những kỹ năng được trang bị, hiện đa số hội viên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tự tin bước ra ngoài, tham gia các hoạt động tập thể.

Hiệu quả của Dự án “Cây gậy trắng” đã được khẳng định. Thế nhưng, hiện nước ta có rất ít đơn vị cung cấp gậy trắng đạt chuẩn, phù hợp với người khiếm thị trong nước với giá cả phải chăng. Nếu nhập khẩu, giá thành của cây gậy khá cao, kích thước và chức năng sử dụng cũng chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của người khiếm thị Việt Nam, nên việc mở rộng Dự án “Cây gậy trắng” vẫn là bài toán khó.

Để tăng cơ hội hòa nhập cho người khiếm thị, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu mong muốn, các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm cung ứng cây gậy trắng đạt chuẩn; chủ động nghiên cứu để sản xuất ra những cây gậy thông minh hỗ trợ hiệu quả cho việc đi lại, tham gia giao thông của người khiếm thị.

“Cây gậy trắng” không chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc đi lại của người khiếm thị mà còn chuyển tải nhiều thông điệp nhân văn đến cộng đồng. Hy vọng, các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tiếp tục cộng đồng trách nhiệm để có nhiều người khiếm thị tìm thấy “ánh sáng” dựa trên khả năng của chính họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp từ ''cây gậy trắng''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.