Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thói quen nguy hiểm trong hành lang an toàn đường sắt

Kim Vũ| 04/05/2023 06:13

(HNM) - Bày bán giày dép, bàn ghế, cà phê, dựng xe máy, xe đạp sát đường sắt, rác thải đổ vô tội vạ... đó là thói quen cố hữu của các hộ dân sinh sống gần hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn Hà Nội. Việc họ đu mình cùng hiểm họa càng cho thấy, các cơ quan chức năng cần mạnh tay thực hiện các giải pháp ngăn ngừa.

Giày, dép bày bán cạnh đường sắt, đoạn trước nhà số 264 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân).

Đu mình cùng hiểm họa

Tại khu vực đường sắt chạy qua, đoạn số 264 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân), vào buổi chiều hằng ngày, các hộ bán hàng rong bày giày dép, quần áo ngay gần đường ray tàu hỏa. Khách đến mua hàng thỏa sức lựa chọn, không chú ý đến nguy hiểm rình rập. Như chị Lê Thị Hằng, người mua hàng tại đây cho biết, khi tàu đi qua thì mọi người chỉ cần đứng ra khỏi khu vực đường ray là được?!

Trong khi đó, ngay cạnh số nhà 282 đường Giải Phóng là một cửa hàng chuyên thu mua đồng nhôm, sắt vụn. Mặt trước của cửa hàng, sát khu vực đường ray tàu hỏa là nơi tập kết hàng hóa, xe máy, đồ đạc.

Còn tại khu vực cầu Trắng ở đường Giải Phóng, người dân nơi đây đã tự bắc một con đường đi qua cầu bằng những miếng ván, gỗ, rất tạm bợ để tiện đi lại, mặc kệ nguy hiểm.

Tại quận Đống Đa, mặc dù thời gian gần đây, các lực lượng chức năng quận liên tục kiểm tra, thu giữ bàn ghế, xử phạt các hộ kinh doanh cà phê nhưng ghi nhận chung cho thấy, một số quán cà phê vẫn lén lút bày bàn ghế bán cho khách hàng tại gần khu vực số nhà 224, 226 và 228 phố Lê Duẩn. Cũng ở khu vực này, ngay ở giữa đường ray tàu hỏa, người dân vứt những miếng gỗ dài, chế thành con đường nhỏ để tiện đi qua.

Tương tự, khu vực Km3+500 (ngã tư Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên) tới gầm cầu Thanh Trì, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng liên tục xuất hiện tình trạng các nhà xưởng “biến” khu vực giáp ranh với tuyến đường sắt thành nơi tập kết rác thải, vật liệu buôn bán như ván gỗ, tấm nhựa, sắt vụn, ống trụ bê tông,...

Đặc biệt, đoạn đường sắt chạy qua địa bàn huyện Thường Tín vẫn có tình trạng các hộ dân mở lối đi qua đường sắt, xây dựng lều quán, đặt biển quảng cáo ngay ở hành lang đường sắt. Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - An toàn (Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh) Hoàng Minh Mẫn thông tin, tại địa bàn huyện Thường Tín, tính đến hết tháng 1-2023 có 74 lối đi do dân tự mở, trong đó 35 lối có chiều rộng nhỏ hơn 1,5m; 10 lối có chiều rộng từ 1,5m-3m; 24 lối có chiều rộng lớn hơn 3m và 5 lối đi tự mở vào nhà dân.

Ông Hoàng Minh Mẫn cũng cho biết, UBND huyện Thường Tín đã phối hợp với công ty phá dỡ 16 lối đi tự mở trong tháng 1-2023. Công ty cũng chủ động lắp đặt biển chú ý tàu hỏa tại 41 lối đi tự mở, phối hợp với địa phương rào và thu hẹp 25 lối đi tự mở và xây dựng 1 gờ giảm tốc. Công ty cũng đề xuất huyện Thường Tín tiếp tục rào, thu hẹp chiều rộng lối đi chỉ đủ cho xe có trọng tải 2,5 tấn và xe khác dưới 9 chỗ qua lại. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở.

Lực lượng chức năng huyện Thường Tín và Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh rào chắn lối đi do người dân tự mở qua hành lang đường sắt tại xã Quất Động (huyện Thường Tín).

Tăng cường kiểm soát

Trước thực trạng này, Phó Trưởng ban An ninh - An toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR) Nguyễn Văn Bá khẳng định, tổng công ty thường xuyên giải quyết các vướng mắc của các đơn vị đường sắt trong quá trình phối hợp với địa phương để thực hiện xóa bỏ các lối đi tự mở, xây dựng đường gom, hàng rào phân cách, đường ngang, hầm chui.

Đặc biệt, VNR chủ động phối hợp, đề xuất giải pháp rào thu hẹp và cắm biển cảnh báo “chú ý tàu hỏa” tại các lối đi tự mở; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới đường bộ tại lối đi tự mở có chiều rộng lớn hơn 3m; thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều giữa các đơn vị đường sắt với các cấp chính quyền địa phương để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, chủ động phối hợp để giải quyết dứt điểm vi phạm.

Còn Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, quận thường xuyên yêu cầu các phường tăng cường kiểm tra, xử lý khi phát hiện vi phạm liên quan đến hành lang đường sắt. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhắc nhở các hộ kinh doanh không lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để bảo đảm an toàn cho chính mình và mọi người. Trong thời gian tới, trước việc các vi phạm vẫn xảy ra liên tục, quận sẽ tăng cường nhân lực, dành nhiều thời gian để xử lý.

Thực tế, về phía chính quyền địa phương, thời gian qua các lực lượng chức năng liên tục ra quân thu giữ hàng hóa lấn chiếm hành lang đường sắt, xử phạt các trường hợp không tuân thủ. Tuy nhiên, do ý thức người dân còn kém, họ bất chấp nguy hiểm, tạo nên nguy cơ mất an toàn cho chính bản thân và nhiều người xung quanh. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý, chống tái lấn chiếm, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp về lâu dài như xây dựng hệ thống đường gom và hàng rào ngăn cách đường sắt với khu dân cư để ngăn chặn một cách tuyệt đối các vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thói quen nguy hiểm trong hành lang an toàn đường sắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.