Dù đã được Báo Hànộimới phản ánh nhưng việc tự ý mở đường ngang dân sinh, buôn bán trong hành lang an toàn đường sắt… vẫn diễn biến phức tạp. Đây là nguyên nhân khiến nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm xảy ra thời gian qua.
Tại Hà Nội, mặc dù các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nhưng do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên vẫn tái phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Vi phạm vẫn diễn ra
Quay trở lại một số tuyến đường sắt trên địa bàn Hà Nội, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, các vi phạm vẫn khá phổ biến. Điển hình là khu vực cầu Trắng, đường Giải Phóng, đoạn qua địa bàn quận Thanh Xuân. Đây là khu vực hành lang đường sắt Bắc - Nam nhưng người dân bất chấp nguy hiểm để mưu sinh. Nếu như trước đây, chỉ có 2 đến 3 hộ bày bán kinh doanh thì nay có gần 10 hộ bán nhiều mặt hàng, chủ yếu là giày, dép. Các gánh hàng rong bán sạc điện thoại, đồ ăn… cũng tụ tập về đây. Mỗi chiều, tối, khu vực này tấp nập người mua bán, xe máy đỗ tràn lan dưới lòng đường.
Chị Lê Thị Hoa, người dân đường Giải Phóng cho biết: "Mỗi khi có lực lượng công an tuần tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hè đường thì họ túm cả hàng vào bạt để chạy hoặc vứt tạm vào các ngõ gần đó. Đáng ngại nhất là lúc tàu đi qua, họ vội vàng thu gọn chỗ lấn vào khu vực đường ray, còn việc kinh doanh vẫn diễn ra...".
Tương tự, việc trông giữ xe máy ngay bên cạnh ray đường tàu, cách cổng chính Bệnh viện Bạch Mai (số 78 đường Giải Phóng, quận Đống Đa) cũng rất nguy hiểm. Vào buổi tối hằng ngày, khu vực trông xe của bệnh viện quá tải nên nhiều người phải gửi xe ở ngay cạnh đường ray tàu hỏa, đuôi xe gần sát với đường ray.
Tại nhiều khu vực hành lang đường sắt, người dân tự ý mở đường ngang dân sinh, biến thành nút giao thông nguy hiểm. Điển hình, trên địa bàn huyện Thanh Trì xuất hiện nhiều lối mở đường ngang dân sinh không có cảnh báo, hoặc có nhưng mờ nhạt, không có người gác chắn điều tiết giao thông mỗi khi tàu đi qua.
Ghi nhận của phóng viên tại đường Giải Phóng - Ngọc Hồi, các lối đi này chỉ rộng khoảng 1,5-2m, không rào chắn, biển cảnh báo treo tạm bợ, khuất tầm nhìn. Tại ngõ 268 đường Ngọc Hồi, mỗi lần tàu đi qua, người dân phải nhắc nhở, kiểm soát con nhỏ không chạy ra đường...
Nhiều hệ lụy nhưng vẫn chủ quan
Chính vì tâm lý chủ quan nên đã xảy ra những hệ lụy đáng buồn. Điển hình là tối 16-3 vừa qua, tại khu vực đối diện nhà số 1333 đường Giải Phóng, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) khi tàu hỏa SE1 lưu thông đến Km 6+500 đã va phải người đàn ông đang nghe điện thoại không để ý tín hiệu còi cảnh báo của tàu. Mặc dù người điều khiển tàu đã dùng biện pháp "hãm khẩn" để dừng tàu nhưng vì cự ly quá gần nên không tránh khỏi tai nạn khiến người đàn ông tử vong.
Trưởng ban An ninh an toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) Trần Cao Thắng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông đường sắt khiến 3 người chết, 5 người bị thương. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là ý thức người dân khi đi qua đoạn giao cắt giữa đường bộ - đường sắt chưa cao, vi phạm chủ yếu tại lối đi tự mở, dọc 2 bên hành lang đường sắt. Nhiều người chủ quan đã đi lại quanh phạm vi an toàn chạy tàu, đâm, va quyệt vào tàu; không quan sát, cố tình vượt ẩu qua đường sắt hoặc dừng, đỗ trong lòng đường sắt sát trước hướng đến của các đoàn tàu.
Theo ông Trần Cao Thắng, thiệt hại từ các vụ tai nạn đường sắt là rất lớn, gây thiệt hại mỗi năm khoảng vài chục tỷ đồng cho ngành Đường sắt. Việc đòi bồi thường từ người gây tai nạn hết sức khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, cấp và không khả thi.
Vì vậy, ông Thắng khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức, chấp hành đầy đủ quy định liên quan. Thời gian tới tổng công ty tiếp tục phối hợp, đề xuất giải pháp với các địa phương về xử lý các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Về phía địa phương, Trung tá Nguyễn Đình Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an huyện Thanh Trì) cho biết, người dân đã vi phạm mở 84 lối đi cắt ngang với đường sắt trên địa bàn huyện. Trước tình trạng này, đơn vị đã phối hợp với ngành Đường sắt tổ chức nhiều lần thu hẹp các lối đi tự mở để ngăn ngừa ô tô đi qua, hạn chế vi phạm. Tuy vậy, lối đi nhỏ lẻ trong khu vực vẫn còn nhiều. Để tăng cường kiểm soát và ngăn chặn vi phạm, thời gian tới lực lượng chức năng sẽ tiến hành lắp camera ở nhiều khu vực, trích xuất hình ảnh vi phạm hành lang an toàn đường sắt để xử lý nghiêm.
Hiện cả nước có 4.814 điểm giao cắt đường bộ và đường sắt. Trong đó, chỉ có 30% đường ngang có người gác, cần chắn tự động hoặc biển báo, đèn hiệu. Số còn lại đều là tự phát, không có biện pháp cảnh báo. Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp họp chợ, buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Chính vì sự tự phát này đã gây nên các vụ tai nạn thương tâm, từ đó đặt ra báo động nghiêm trọng về ý thức người dân sống gần khu vực hành lang đường sắt?!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.