(HNM) - Ngày 30-3, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BLĐTBXH quy định việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ. Theo Điều 3 của Thông tư, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng như sau:
- Thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình bao gồm thời gian học các môn học, mô-đun và thời gian thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp do hiệu trưởng quyết định, bảo đảm không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ 2 đến 3 năm học, không vượt quá 2 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ 1 đến dưới 2 năm học, không bao gồm thời gian bảo lưu quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này.
- Thời gian tối đa đối với người học cùng lúc 2 chương trình bằng thời gian tối đa để hoàn thành chương trình có thời gian đào tạo dài hơn và được tính từ khi bắt đầu học chương trình thứ nhất.
- Hiệu trưởng có thể xem xét, quyết định kéo dài thời gian đào tạo tối đa đối với các trường hợp người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.
- Thời gian tối đa đối với chương trình đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao có tính chất đặc thù do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quy định.
Thông tư số 04/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15-5-2022 và thay thế Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13-3-2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.