Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thóc trên 3.000 năm vẫn nẩy mầm

Đan Nhiễm| 18/05/2010 06:18

(HNM) - Như Hànộimới số ra ngày 6-5 đã đưa tin, tại di chỉ Thành Dền (huyện Mê Linh, Hà Nội), các chuyên gia của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thu được nhiều hiện vật quý, khẳng định đây là địa điểm quan trọng của thời đại đồ đồng lưu vực sông Hồng, có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm.

Những hạt thóc tìm được tại di chỉ Thành Dền đang bắt đầu nẩy mầm.


PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, người chủ trì cuộc khai quật cho biết: "Trong đám thóc mang về (cả thóc lép và thóc mẩy), lúc chúng tôi bảo quản bằng cách ngâm vào nước ruộng thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi đổi cách bảo quản bằng việc chỉ để nước xâm xấp thì phát hiện có một số hạt nẩy mầm đâm lá. Không thể tin được thóc trên 3.000 năm lại vẫn có khả năng nẩy mầm. Chúng tôi đã mời các nhà khoa học ở Viện Di truyền nông nghiệp sang đưa những hạt nẩy mầm về viện chăm sóc". Thông tin trên đã gây sửng sốt đối với nhiều nhà khoa học.

Trao đổi với báo giới, PGS-TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết: Viện đã tiếp nhận khoảng 100 hạt thóc, trong đó có 6 hạt đã nẩy mầm và đang tiếp tục theo dõi. Về lý thuyết và thực tiễn đều không thể có hiện tượng thóc tồn tại nguyên vẹn trong tự nhiên với thời gian từ 3.000-3.500 năm. Tuy nhiên, cũng có thể có trường hợp trùng lặp hy hữu là thóc được "bảo quản" trong điều kiện nhiều tro bụi và xương động vật vùi sâu dưới lòng đất nhưng cũng khó đạt đến mốc hàng nghìn năm...

Mặt bằng Khu di tích Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội).


GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết: Hạt thóc để bình thường chỉ vài năm là mất sức nẩy mầm. Để bảo quản lâu, người ta thường dùng phương pháp trữ trong kho lạnh sâu, nhưng cũng chỉ kéo dài được vài chục năm. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ phần mầm đó có nẩy ra từ phôi và môi trường thu được số thóc đó như thế nào.

TS Nguyễn Quang Miên (Trưởng phòng Thí nghiệm và xác định niên đại, Viện Khảo cổ học) cho biết: Phương pháp đồng vị carbon (C14) được coi là cách xác định tuổi cổ vật tiên tiến nhất hiện nay nhưng chủ yếu dùng xác định tuổi cổ vật "đã chết", tức là từ thời điểm không còn sự trao đổi chất. Vì vậy, với số thóc trên thì phương pháp này vẫn có sai số khá lớn. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào vật thể chứa số thóc đó như đất bao xung quanh có thể kết luận chính xác niên đại của hạt thóc. Ngoài ra, các nhà khoa học có thể xét nghiệm tất cả số hạt thóc thu được tại cuộc khai quật Thành Dền để có kết luận về hạt thóc ngừng trao đổi chất sớm nhất có niên đại cách ngày nay bao nhiêu năm.

Được biết, khảo cổ học Việt Nam chưa từng ghi nhận hiện tượng hạt thóc nẩy mầm sau khoảng 3.000 năm nằm trong lòng đất. Trong một số lần khai quật, các nhà nghiên cứu chỉ thu được nhiều mẫu vật là thóc lúa thuộc văn hóa Đồng Đậu (có niên đại 3.500-4.000 năm), nhưng đều đã bị phong hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thóc trên 3.000 năm vẫn nẩy mầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.