Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ - Iran đàm phán hạt nhân: Thế bế tắc khó hóa giải

Quỳnh Dương| 15/06/2023 06:43

(HNM) - Sau thời gian dài đình trệ, đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Iran vừa được nối lại thông qua nước trung gian là Oman. Tuy nhiên, tới thời điểm này, điều kiện các bên đưa ra để khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) vẫn cho thấy khoảng cách lớn về quan điểm.

Một cơ sở hạt nhân của Iran.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Iran đang sở hữu 114,1kg urani được làm giàu ở cấp độ 60% tinh khiết. Đây là cấp độ chỉ còn cách cấp độ có thể chế tạo vũ khí hạt nhân (tương đương 90% tinh khiết) một bước ngắn. Washington đã gửi thông điệp cảnh báo sẽ phản ứng nghiêm khắc nếu Tehran đạt đến cấp độ làm giàu urani 90% để lắp vào vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đang tập trung gây áp lực nhằm kiềm chế các hành vi của Iran và phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ để giảm leo thang tại khu vực.

Do đàm phán diễn ra dưới hình thức gián tiếp nên điều phối viên về Trung Đông của Mỹ Brett McGurk và nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran Ali Bagheri Kan ở các địa điểm cách biệt, thông qua quan chức Oman để truyền tải thông điệp tới nhau. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani khẳng định, phía Iran luôn bảo đảm duy trì đối thoại minh bạch, đồng thời đề nghị Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt như một điều kiện để khôi phục JCPOA. Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cũng nêu điều kiện giữ nguyên vẹn các cơ sở sản xuất hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA dưới thời Tổng thống Donald Trump, lập trường của Washington về vấn đề này vẫn chưa có nhiều thay đổi, dù Tổng thống Joe Biden nhiều lần tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán với Iran. Điều kiện tiên quyết “chú Sam” đưa ra là Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân, được cho là tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho khu vực và thế giới.

Theo các nhà bình luận, cuộc đàm phán Mỹ - Iran được nối lại giúp “hạ nhiệt” phần nào căng thẳng giữa 2 nước. Song, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo đang đến gần, Tổng thống Joe Biden khó có thể triển khai những kế hoạch mang tính đột phá, đặc biệt là khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa đối lập luôn ủng hộ quan điểm cứng rắn đối với Iran. Bất kỳ bước đi nào liên quan tới chủ đề này cũng có thể khiến đảng Dân chủ của ông Joe Biden trở thành đề tài để đảng Cộng hòa công kích.

Điều đáng nói là, nếu đàm phán không đạt được tiến triển, việc Iran tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân sẽ làm gia tăng nguy cơ về mặt an ninh trong khu vực. Hiện tại, để giảm căng thẳng, nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đang nỗ lực triển khai các động thái ngoại giao con thoi với Iran.

Các đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực, ngoại trừ Israel, hiện đang tích cực đàm phán với Iran. Một số nước như Ai Cập, Saudi Arabia đang trên đà khôi phục quan hệ và có tiếng nói bảo vệ lợi ích của Tehran. Mới đây, các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này, song cũng ủng hộ quan điểm cho phép Iran làm giàu uranium không vượt quá tỷ lệ, vì mục đích hòa bình. Hội đồng Bộ trưởng GCC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia vào tất cả cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời khẳng định sự cần thiết đối với các hoạt động này phải bao gồm những vấn đề an ninh và giải quyết mối quan tâm của nhóm quốc gia vùng Vịnh.

Kể từ tháng 4-2021, Iran, Mỹ và các bên còn lại trong JCPOA đã tiến hành nhiều vòng đàm phán. Tuy nhiên, nếu Mỹ và Iran tiếp tục bảo vệ lập trường cứng rắn của mình, lộ trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân chưa biết khi nào mới đi đến "vạch đích cuối cùng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ - Iran đàm phán hạt nhân: Thế bế tắc khó hóa giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.