Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

Thùy Dương| 24/02/2022 06:25

(HNM) - Iran, Mỹ và các cường quốc khác đang tiến gần đến việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Mặc dù hai bên vẫn đang tranh cãi về các yêu cầu cuối cùng quan trọng từ Tehran, bao gồm cả phạm vi áp dụng các biện pháp trừng phạt, tuy nhiên các nhà đàm phán cho biết đã có nhiều tiến bộ và triển vọng tươi sáng trong việc tìm cách hồi sinh thỏa thuận mang tính bước ngoặt năm 2015.

Đặc phái viên của Iran và các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga tại vòng đàm phán thứ 8 về thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna, Áo.

Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đề nghị giảm nhẹ các lệnh trừng phạt Tehran để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, nhưng Mỹ đã đơn phương rút lui vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề. Một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận, Iran bắt đầu tăng cường năng lực hạt nhân. Quá trình này đã tăng tốc đáng kể kể từ tháng 12-2020, Tehran hiện đang làm giàu uranium lên tới 60% bằng cách sử dụng các máy ly tâm tiên tiến. Tuy Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ có mục đích hòa bình nhưng các cường quốc phương Tây vẫn nghi ngại và cho rằng, không có quốc gia nào làm giàu đến mức cao như vậy mà không phát triển vũ khí hạt nhân.

Mỹ và phương Tây hiểu rằng, nếu không quay lại thỏa thuận JCPOA năm 2015 thì việc cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran không có giá trị gì. Trong bối cảnh đó, từ tháng 4-2021, Iran và nhóm P5+1 (gồm các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga) đã nối lại đàm phán tại Vienna (Áo) để tìm cách khôi phục thỏa thuận, trong khi Mỹ không tham gia trực tiếp mà thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU). Trước khi các cuộc đàm phán được nối lại, Tehran đã cảnh báo rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ là “lằn ranh đỏ” để đưa thỏa thuận trở lại đúng hướng.

Trải qua 8 vòng đàm phán, các cuộc thảo luận về thỏa thuận Iran dường như đang trên đà thành công. Hầu hết các vấn đề đã được thống nhất để khôi phục JCPOA, nhưng các đặc phái viên từ Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, và Mỹ cho rằng vẫn còn một số vấn đề hóc búa cần phải bàn thảo chi tiết hơn. Thỏa thuận ban đầu được dự kiến để đóng băng dự án hạt nhân Iran trong 15 năm cho đến năm 2030. Hiện tại, chưa rõ liệu thỏa thuận mới sẽ bao gồm một thời gian biểu sửa đổi hay sẽ hết hạn sau 8 năm như trong thỏa thuận ban đầu. Các bên cũng đã phác thảo một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran. Theo đó, Iran sẽ đình chỉ việc làm giàu uranium trên 5%, thực hiện phóng thích các tù nhân phương Tây bị giam giữ ở Iran trong khi số tiền của Iran trị giá hàng tỷ USD tại các ngân hàng ở Hàn Quốc sẽ được dỡ bỏ phong tỏa.

Phát biểu tại hội nghị an ninh Munich (Đức) cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian cho biết ông “rất lạc quan” về một thỏa thuận tốt có thể được thực hiện. “Chúng tôi chưa bao giờ đạt được thỏa thuận gần như thế này”, ông nói. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định các cuộc đàm phán hạt nhân Iran đã đi một chặng đường dài trong 10 tháng qua và “nếu chúng tôi không thành công nhanh chóng trong việc này, các cuộc đàm phán có nguy cơ thất bại”.

Các quan chức tham gia cuộc đàm phán cho biết một thỏa thuận có thể được hoàn tất tại Vienna trong vòng vài ngày tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden coi việc khôi phục hiệp định trở thành mục tiêu trong chính sách đối ngoại hàng đầu của mình. Trở ngại lớn nhất hiện nay trong nội bộ chính quyền Mỹ là các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa yêu cầu bất cứ thỏa thuận nào do Tổng thống Joe Biden ký kết với Iran phải được Quốc hội thông qua. Dù còn khó khăn và phức tạp nhưng các nhà quan sát hy vọng, Mỹ và Iran sẽ sớm khôi phục lại JCPOA - một hiệp định hứa hẹn mang lại sự ổn định cho khu vực Trung Đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.