Theo AFP, ngày 15-8, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về thỏa thuận giữa Italia và Albania trong việc xử lý một số yêu cầu xin tị nạn của người di cư tại các trung tâm tạm giữ ở Albania.
Trước đó, tái khẳng định không phải là bên tham gia thỏa thuận Italia - Albania, UNHCR đã duy trì sự dè dặt về thỏa thuận này và yêu cầu làm rõ cách thức thực hiện. Nhưng trong một tuyên bố hôm 14-8, cơ quan này cho biết đã đồng ý giám sát việc thực hiện thỏa thuận.
Theo đó, UNHCR sẽ tư vấn cho những người di cư về quyền xin tị nạn của họ và đảm bảo rằng các thủ tục được thực hiện "phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và khu vực có liên quan".
Thỏa thuận từng gây tranh cãi kéo dài 5 năm, được ký kết vào năm 2023, trong đó Italia kêu gọi Albania tiếp nhận tối đa 3.000 người di cư cùng một lúc, những người đã được giải cứu trên vùng biển quốc tế trong khi Rome đẩy nhanh quá trình giải quyết đơn xin tị nạn của họ. Thỏa thuận này dự kiến được thực hiện trong tháng 8, nhưng bị chậm lại do chưa hoàn thành xây dựng hai trung tâm tạm giữ mới ở Albania.
Chính phủ Italia coi thỏa thuận là một ví dụ quan trọng về việc chia sẻ gánh nặng trách nhiệm của châu Âu đối với người di cư, đồng thời cũng đóng vai trò răn đe những người có ý định tị nạn. Tương tự, Ủy ban châu Âu đã tán thành thỏa thuận này.
UNHCR cho biết, nhiệm vụ giám sát của họ sẽ được tài trợ bởi các nguồn khác ngoài Italia và Albania để đảm bảo rằng cơ quan vẫn độc lập.
Theo thỏa thuận, những người di cư sẽ được sàng lọc ban đầu trên tàu đã cứu họ, những người di cư dễ bị tổn thương sẽ được đưa đến Italia trong khi những người khác được gửi đến Albania để sàng lọc thêm.
UNHCR và các cơ quan khác đã bày tỏ lo ngại về việc sàng lọc trên tàu và liệu họ có thực sự có thể xác định được những người di cư dễ bị tổn thương hay không, cũng như khả năng tiếp cận tư vấn pháp lý đầy đủ của những người di cư khi đã đến Albania.
Hai trung tâm tạm giữ ở Albania sẽ tiêu tốn của Italia 670 triệu euro (730 triệu USD) trong 5 năm. Các trung tâm đều thuộc thẩm quyền của Italia và sẽ do nước này điều hành hoàn toàn trong khi lực lượng bảo vệ Albania sẽ đảm bảo an ninh bên ngoài.
Bộ trưởng Nội vụ Matteo Piantedosi lưu ý rằng Rome đã ghi nhận mức tăng 20% số lượng người di cư không đủ điều kiện xin tị nạn hồi hương trong năm nay.
Đồng thời, số lượng người di cư mới đến Italia giảm mạnh trong năm nay. Tính đến 16-8, 37.644 người đã đến bằng thuyền, so với 100.419 người cùng kỳ năm ngoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.