Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tăng lãi suất lên 25%: Yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi

Quỳnh Dương 26/08/2023 - 07:14

Trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát liên tục leo thang, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vừa bất ngờ nâng lãi suất thêm 7,5%, từ mức 17,5% lên 25%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau một thời gian hành động không giống quy luật thông thường và không mang lại nhiều hiệu quả, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang gấp rút điều chỉnh lộ trình chính sách nhằm trấn an các nhà đầu tư cũng như người dân nước này.

lam-phat-tang-cao-anh-huong.jpg
Lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới đời sống của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong vòng 3 tháng, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nâng lãi suất 3 lần với tổng tỷ lệ 16,5%. Điều này đi ngược hoàn toàn với những gì đã thực hiện trong năm 2022, khi tỷ lệ lạm phát nước này có lúc lên tới 80%, song Chính phủ nước này không những không tăng lãi suất để siết chặt kiểm soát tiền tệ mà còn công bố giảm lãi suất. Động thái này khiến nhiều chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng. Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management phải thốt lên rằng: “Không tưởng tượng nổi khi lạm phát 80% nhưng vẫn hạ lãi suất tới 1% xuống còn 13%”.

Các quan điểm kinh tế truyền thống cho rằng phải nâng lãi suất để kéo giảm lạm phát. Nhưng điều này không đúng với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan - người tự xưng là “kẻ thù” của lãi suất. Ông cho rằng, mô hình kinh tế của ông mới là cách để kéo giảm lạm phát, kích thích tăng trưởng, xuất khẩu và việc làm.

Vì vậy, Ankara đã dần hạ lãi suất từ 19% vào cuối năm 2021 xuống 8,5% vào tháng 3-2023. Chính sách nới lỏng tiền tệ đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt đối với người dân khi giá trị đồng lira của nước này giảm mạnh. Trong vòng 5 năm qua, nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá khoảng 80% so với USD và dự trữ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng ở mức rất thấp vì nước này phải bán hàng tỷ ngoại tệ để hỗ trợ đồng lira.

Dù sau đó, lạm phát cũng được kéo về mức dưới 40% vào tháng 5-2023, tuy nhiên, kho ngoại hối cũng cạn kiệt và lần đầu tiên rơi xuống mức âm (-151,3 triệu USD) vào ngày 19-5 vừa qua. Theo các chuyên gia tài chính, các chính sách phi truyền thống của Tổng thống R.Erdogan đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn kinh tế, dẫn đến khủng hoảng tiền tệ và chi phí sinh hoạt, gây khó khăn cho các hộ gia đình. Việc dự trữ ngoại hối ròng rơi xuống mức âm là rất báo động bởi nó có thể gây gián đoạn hoạt động thương mại, cắt đứt chuỗi cung ứng và làm đình trệ sản xuất không chỉ của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn của cả các đối tác trong mạng lưới sản xuất toàn cầu hiện nay.

Trước tình huống cấp bách này, Nga đã phải đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ lùi thời gian thanh toán 600 triệu USD nhập khẩu khí đốt tự nhiên sang năm 2024. Saudi Arabia cũng phải gửi 5 tỷ USD vào Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ để giúp Ankara hạ "cơn khát" ngoại tệ.

Trong bối cảnh kho ngoại hối trống rỗng, lạm phát lại rục rịch quay đầu, Tổng thống R.Erdogan buộc phải quay về con đường truyền thống - nâng lãi suất ngân hàng để siết chặt kiểm soát tiền tệ. Hồi tháng 6-2023, ông đã bổ nhiệm cựu Giám đốc Ngân hàng Phố Wall Hafize Gaye Erkan làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới để khắc phục những sai lầm đã gây ra bởi chính sách gây tranh cãi trước đó. Tổng thống R.Erdogan khẳng định: “Chúng tôi đang thực hiện các bước đi một cách dứt khoát để loại bỏ những vấn đề do lạm phát gây ra cho cuộc sống của người dân”.

Ban đầu, các dự báo cho rằng lãi suất chỉ được nâng lên 20% trong đợt này. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định “mạnh tay” tăng lãi suất lên hẳn mức 25%. Ngay lập tức, giá trị đồng lira đã có dấu hiệu được cải thiện so với USD và euro. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để thiết lập lộ trình giảm phát càng sớm càng tốt.

Theo thông báo gần nhất, tỷ lệ lạm phát trong tháng 7 của nước này đã lên tới mức 47,8%, dự kiến sẽ tăng lên 58% vào cuối năm nay và đạt đỉnh ở mức khoảng 60% trong năm 2024. Chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics, ông Liam Peach đánh giá, việc Ankara nâng lãi suất sẽ là một “yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi”, mang lại triển vọng kinh tế vĩ mô cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, để thực sự giải quyết được vấn đề mất cân bằng vĩ mô, nâng lãi suất không phải là “chiếc đũa thần” có thể xoay chuyển tình thế mà cần một chặng đường dài. Trong thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải tiếp tục nâng lãi suất lên tới 30% mới có thể dần đưa lạm phát về mức có lợi cho sự phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tăng lãi suất lên 25%: Yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.