(HNM) - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều năm nay sẽ dự Ngày hội Thơ ca Việt Nam lần thứ IX với tâm thế mới của một nhà thơ làm quản lý - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Trong câu chuyện vui đầu năm, nhân buổi công bố chương trình Ngày thơ Việt Nam 2011, ông đã chia sẻ với Hànộimới về ngày thơ và bao trùm lên là câu chuyện thơ ca Việt Nam.
- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông đã dự được bao nhiêu Ngày thơ Việt Nam? Lần này, ông sẽ dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX không chỉ với tư cách nhà thơ, người yêu thơ mà còn với vai trò Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Có điều gì khác biệt không, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
- Thật sự, tôi không dự nhiều ngày thơ ở Văn Miếu mà chủ yếu dự ngày thơ ở làng tôi- làng Chùa vào đúng dịp hội làng 13 tháng Giêng. Tôi đã là hội viên Hội thơ làng Chùa trước khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tất nhiên, với vai trò của người tham gia BCH Hội Nhà văn Việt Nam, trước thềm ngày hội thơ ca của cả nước, tôi cũng thấy có thêm nhiều trọng trách nặng nề hơn. Nhưng tôi rất vui vì Ngày thơ Việt Nam năm nay có nhiều điểm mới.
Tôi nghĩ rằng, tâm thế đến với ngày thơ của tôi cũng như những người làm thơ và yêu thơ khác. Đó là đến để nhận ra chúng ta đang làm gì đó cho giấc mơ của chúng ta, cho vẻ đẹp của chúng ta, cho những gì thuộc về phẩm tính con người. Thế giới không có ngày thơ, nhưng có liên hoan thơ. Ví dụ ở Colombia đã có Liên hoan Thơ lần thứ 23. Trong dịp dự liên hoan lần thứ 20, tôi đã nhận thấy, người ta đến với liên hoan là để lan tỏa những nỗi niềm nhân văn trong thi ca.
- Thưa nhà thơ, cách đây gần 10 năm chúng ta có một hội thảo khá lớn về “Những chuyển động trong thơ hôm nay”. Trước thềm Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX, ông có thể chia sẻ cảm nhận của ông về “chuyển động” của thơ ca Việt Nam những năm gần đây?
- Thi ca chúng ta đã đi một bước rất ngoạn mục ở cả hai điểm là tính dân chủ và yếu tố mỹ học. Tiếc rằng, các nhà lý luận phê bình hình như chưa theo sát để xác nhận nó, định hình, gọi tên nó, hoặc có nhận thấy mà chưa nói ra. Có một nhà thơ trẻ sinh năm 1989 nhờ tôi viết vài lời giới thiệu cho tập thơ sắp ra đời. Tôi gần như nhận lời chỉ vì sự tôn trọng tác giả trẻ. Sau đó tôi đọc và gọi lại cho bạn ấy để nói rằng “bạn hãy dừng tập thơ lại, chưa in vội vì tôi muốn viết dài hơn thế rất nhiều lần”. Ở đó, tôi nói bạn giống như nhiều cây bút khác cũng có nhiều thứ phù phiếm, sáo rỗng, nhưng hãy vứt những thứ đó đi và cho tôi biết bạn mang trong lòng bàn tay tài sản gì. Và mỗi một thi sĩ phải có tài sản riêng của anh ta. Anh ta không thể đi mượn tài sản của người khác.
Những người trẻ như tác giả tôi nói ở trên, bên cạnh chút phù phiếm đã mang đến một quan niệm khác, một tính nhân bản khác, một đau khổ khác… Họ vẫn yêu thiên nhiên ấy, con người ấy… nhưng những vui sướng, hạnh phúc và đau khổ đã được dựng nên trong thế giới ngôn ngữ khác. Và có những bài thơ của họ khiến tôi kinh ngạc, họ dám đối đầu với rất nhiều thách thức, với sai lầm, sự kỳ dị của bản thân… Đấy là phẩm chất quan trọng của thi sĩ - anh không được chạy trốn bản thân. Tôi đã nhìn thấy những phẩm chất ấy trong nhiều tác phẩm của người viết trẻ. Như Trương Hồng Tú đã viết về sự ly hôn của cha mẹ, về những đứa trẻ chết trong động đất, về cuộc đối thoại với một đứa con còn trong bụng bị người mẹ “chối bỏ”…
Thơ ca đang mở rộng biên độ tiếng Việt hiện đại, đi vào các vấn đề chiều sâu con người và cũng tự do, dân chủ hơn.
- Vậy ông nghĩ như thế nào về nhận định có “nguy cơ đứt gãy với đời sống” trong các cây bút trẻ?
Tôi cho là cuộc đối thoại giữa các thế hệ nhà thơ đôi khi chưa công bằng lắm. Với các bạn trẻ, tôi vẫn thường nói, tôi có thể chia sẻ với bạn kinh nghiệm sống, nhưng tôi không thể dạy bạn làm thơ… Phải sống bằng một lượng sống tương đương mới có thể viết một bài thơ hay tương đương. Khen hay chê người trẻ đừng ngại. Khen và chê có thể giết chết người trẻ, nhưng thi sĩ trẻ nào có đủ năng lượng, sức lực, trí tuệ đi qua cái bẫy chết người đó thì mới mong thành công được.
- Xin hỏi nhà thơ câu cuối, ông đang có những dự định gì cho riêng mình cũng như cho việc chung của Hội Nhà văn Việt Nam?
- Vào BCH là phải bị chi phối rất nhiều và tôi đang cố gắng sớm hoàn thiện các tập thơ của mình, rồi cùng với BCH Hội Nhà văn Việt Nam chuẩn bị cho Liên hoan thơ châu Á vào năm tới nhằm giới thiệu lòng yêu thơ của dân tộc ta ra thế giới; chuẩn bị cho sự ra đời Trung tâm dịch thuật văn học Việt Nam. Bên cạnh đó là các công việc khác như tổ chức giải thưởng, kết nạp hội viên. Ví như lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức riêng thiên về chuyên môn, tách khỏi phần kết nạp hội viên, thiên về giao lưu, gặp gỡ. Tóm lại, Hội Nhà văn phải từng bước chuyên nghiệp hơn, đối diện với phản biện của công chúng, xã hội và cả hội viên nữa.
Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.