Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2014 cho biết, năm nay sẽ
Vài năm trở lại đây, khách đi lễ hội chùa Hương thường bắt gặp cảnh một số nhà hàng ở khu vực linh thiêng này treo, bày bán các loại thịt thú rừng; thậm chí nhiều quán ăn còn treo nguyên con nai, hưu đã bị giết, mổ lung lẳng trên dây để thu hút sự chú ý của khách đi lễ. Ở mùa lễ hội năm ngoái 2013, sau khi báo chí phản ánh, cơ quan Công an Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và xác định thịt thú rừng được bày bán ở lễ hội chùa Hương là thịt thú nuôi.
Chiều hôm qua (7/1), trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), đồng thời là Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, mùa lễ hội năm nay Ban tổ chức sẽ “tung quân” không để xảy ra tình trạng bày bán thịt thú rừng tràn lan. Thịt thú rừng được bày bán năm nay sẽ được ghi rõ là thú rừng nuôi.
Theo ông Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, hiện nay Nhím, cày hương, lợn rừng, lợn cắp nách… được nuôi trong dân rất nhiều. Vào các ngày tổ chức lễ hội chùa Hương, mỗi ngày có hàng xe chở nhím nuôi ở Nghệ An về phục vụ nhu cầu của người đi lễ. Hơn nữa, tại địa bàn huyện Mỹ Đức hiện nay, người dân cũng đã nuôi thành công một số loại thú rừng như: nhím, cày hương, lợn rừng.... Do đó, ông khuyên khách hàng có nhu cầu cần phải mặc cả kỹ không để bị chặt chém.
Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, ông Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, năm nay Ban tổ chức đã quy hoạch 14 quán hàng ăn tại khu vực Thiên Trù, có thể đáp ứng 60.000 thực khách mỗi ngày. Với lượng khách lớn, ngày cao điểm mỗi ngày có 6 vạn người, trung bình là 3 vạn người/ngày đến chùa Hương đi lễ, do vậy chỉ cần mỗi người một lạng thực phẩm thì mỗi ngày cũng cần phải tiêu thụ hết 3 tấn. Do lượng thực phẩm lớn và nên phải bày hàng, treo thực phẩm để bảo quản được tốt hơn, tươi hơn. Đây cũng là thói quen bảo quản thực phẩm tươi trong dân.
Thịt thú rừng được treo bán công khai ở chùa Hương. Ảnh: VnE |
"Nếu không cho treo, nghĩa là không bảo quản thực phẩm, thì không đáp ứng nhu cầu của du khách. Có người nói phản cảm vì ở gần chùa, song đây là cách bảo quản thực phẩm truyền thống, nếu nói phản cảm không cho dân treo thì chúng tôi rất khó chỉ đạo", ông Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng khái.
Tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch huyện cũng cho biết, năm 2013, huyện đã tuyên truyền bà con đóng tủ quầy to, lắp máy lạnh bảo quản thực phẩm, năm nay sẽ yêu cầu bố trí lại một vài cửa hàng và chấn chỉnh treo thực phẩm thế nào để không phản cảm.
Sẽ đóng cọc treo áo phao ở những chỗ nước sâu
Thông tin về những điểm mới của lễ hội chùa Hương năm nay, ông Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2014 cho biết, quy mô, không gian lễ hội chùa Hương 2014 có nhiều đổi mới, trong đó hệ thống giao thông vào chùa Hương có thêm một tuyến mới đi theo cổng Hang Vò, nâng tổng số đường vào khu vực này lên 4 tuyến nhằm giảm tải lưu lượng du khách trên các tuyến cũ.
Tuyến đường theo cổng Hang Vò do Sở VH,TT&DL Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức cùng UBND tỉnh Hà Nam triển khai theo hướng từ Hà Nam lên, đi vào khu vực giáp đền Trình. Độ dài tuyến đường này bắt đầu từ thành phố Phủ Lý tới chùa Hương dài 7km, mặt cắt 14m đổ bê tông, có hành lang hai bên.
Cũng để phục vụ lễ hội chùa Hương 2014, huyện Mỹ Đức còn đầu tư xây dựng cổng Hội Xá Hương Tích Môn với tổng mức đầu tư lên tới 11 tỷ đồng, Phổ Độ Môn với tổng đầu tư 7 tỷ đồng. Riêng Phổ Độ Môn kiểu dáng giống ngôi chùa, đặt ngay bến Thiên Trù sử dụng làm nơi kiểm soát vé. Mùa lễ hội năm nay, tuyến cáp treo vào động Hương Tích sẽ không dừng tại ga khu vực chùa Giải Oan như mọi năm mà sẽ vào thẳng khu vực động.
Năm nay có 4.300 phương tiện chở khách tại suối Yến và 4 đò chuyên vớt rác chờ kèm theo áo phao, chạy đi chạy lại. Nếu gặp sự cố ở đâu thì vứt áo phao ra. Để đảm bảo an toàn cho khách đi đò, tại các khu vực nước sâu sẽ cắm cọc và treo vài chục áo phao cứu hộ ở đó. So với mọi năm, năm nay giá phí tham quan chùa Hương không thay đổi; cụ thể, vé thắng cảnh 50.000 đồng/người, vé đò ra vào 35.000 đồng/người.
Đề cập đến kinh phí thu được sau mỗi lần diễn ra lễ hội chùa Hương, ông Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, mỗi năm ngân sách huyện thu được khoảng 80 tỷ đồng, chủ yếu từ tiền vé thăm quan 50.000 đồng/người và 1.400 đồng/người tiền thuế giá trị gia tăng từ vé đò của hành khách. Trung bình mỗi năm có 1,4 triệu khách, huyện thu được khoảng 1,4 tỷ đồng.
"Chi phí thu được dùng để đầu tư xây dựng cơ bản các công trình trong chùa Hương, xử lý nguồn nước suối Yến phục vụ hành khách đi lại. Mỗi năm huyện cũng phải chi ra 14 tỷ đồng cho 600 người phục vụ suốt 3 tháng của lễ hội chùa Hương", ông Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Tại cuộc họp báo, Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương cho biết, ngoài chương trình khai hội diễn ra ngày 6 tháng Giêng, chùa Hương còn diễn ra một số chương trình như đêm thơ Nguyên Tiêu, triển lãm nhiếp ảnh tại Thiên Trù và lễ Khánh đạt Quan Thế Âm diễn ra ngày 19/2 âm lịch.
Thượng tọa Thích Minh Hiền khẳng định không còn tình trạng đốt mã tại chùa Hương nhiều năm qua, chỉ còn hiện tượng đốt tiền vàng và mang lễ mặn vào lễ phật. Thượng tọa cho biết, hiện tồn tại 300 điểm viết sớ song người dân nên vào chùa xin sớ viết hoặc thuê viết bằng tiếng Việt để dễ kiểm soát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.