Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu thiết bị y tế, người bệnh phải chuyển lên tuyến trên

Thu Trang| 23/02/2023 12:21

(HNMO) - Những ngày gần đây, lãnh đạo các bệnh viện đã lên tiếng về tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ người bệnh. Thậm chí, do thiếu vật tư, thuốc nên các bệnh viện tuyến dưới đã phải chuyển người bệnh lên tuyến trên. Điều này khiến cho các bệnh viện tuyến trung ương càng rơi vào cảnh thiếu trầm trọng thiết bị, vật tư y tế.

Không tháo gỡ sớm, bệnh viện sẽ không thể hoạt động

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày có từ 8.000 - 10.000 người đến khám và điều trị nội trú cho khoảng 4.000 người. Đặc biệt, khác với mọi năm, năm nay, ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến. Trong khi đó, thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện hiện thiếu trầm trọng.

Lý giải trước tình trạng này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, trong giai đoạn hiện nay, do thiếu vật tư, thiếu thuốc nên các bệnh viện tuyến dưới đã chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bạch Mai. Nếu như mọi năm, bước vào quý II, số lượng bệnh nhân tại bệnh viện mới đông thì năm nay, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết (tức mùng 6 Tết), bệnh viện đã khám ngoại trú cho 6.000 bệnh nhân. Chính vì vậy, bệnh viện hiện rơi vào cảnh thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh.

“Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh, liên kết. Khi hết hợp đồng, thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực. Hiện tại, chúng ta đang phải chờ thông tư mới, quy định mới nên không thể tái ký hợp đồng và ký các hợp đồng mới. Bệnh viện cũng không có nguồn ngân sách nào để đầu tư mua sắm thiết bị mới. Do vậy, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

Nhiều bệnh viện đang thiếu thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác điều trị người bệnh.

Là bệnh viện ngoại khoa hàng đầu, sau đại dịch Covid-19, trong năm 2022, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng thực hiện số lượng khám, chữa bệnh và phẫu thuật khổng lồ, lên đến hơn 79.000 ca mổ. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân đến chờ để được điều trị tại đây cũng rất lớn. Trong khi đó, bệnh viện hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, theo thống kê, hóa chất xét nghiệm công thức máu tại bệnh viện chỉ còn khoảng 1 tuần nữa không còn để sử dụng.

Không riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, hiện các bệnh viện lớn trên toàn quốc, hầu như vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh và hóa chất xét nghiệm sử dụng cho việc chẩn đoán và điều trị đã cạn kiệt.

“Tôi biết rằng, nhiều bệnh viện đã thông báo tới tất cả các khoa phòng, trong vòng 1 tuần nữa, bệnh viện sẽ hết hóa chất xét nghiệm, chỉ thực hiện theo cấp cứu. Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng có thể rơi vào nguy cơ đó. Chính vì vậy, tôi cho rằng, đây là việc “cấp cứu của cấp cứu”, rất mong các cấp lãnh đạo kịp thời tháo gỡ. Chúng ta chỉ còn khoảng 1-2 tuần nữa, nếu không tháo gỡ sớm thì các bệnh viện sẽ không hoạt động được”, GS.TS Trần Bình Giang lo lắng.

Không chỉ hóa chất xét nghiệm, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, các vật tư tiêu hao phục vụ cho phẫu thuật cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết. “Theo quy định, việc mua sắm vật tư tiêu hao phải bảo đảm rằng, các vật tư tiêu hao đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hiện nay, vấn đề giấy phép lưu hành và gia hạn với thuốc đã được tháo gỡ. Thế nhưng, hầu hết các giấy phép đối với vật tư tiêu hao chưa được cấp và chưa được gia hạn. Vì vậy, bệnh viện rất khó để mua và đấu thấu vật tư tiêu hao”, GS.TS Trần Bình Giang nhấn mạnh.

Cần có hành lang pháp lý chuẩn

Thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã tiến hành họp rất nhiều lần để tìm cách tháo gỡ, nhưng rất khó khăn. Theo GS.TS Trần Bình Giang, kể từ năm 2015, bệnh viện hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc. Riêng máy móc xét nghiệm tại bệnh viện có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng.

Trước thực tế đó, giải pháp mà bệnh viện đưa ra là, từ năm 2015, đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm và các công ty sẽ đặt máy để sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty sẽ lo bảo hành, bảo trì, kiểm định, kiểm chuẩn… để máy hoạt động chính xác. Điều này là thông lệ trên toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam.

“Thế nhưng, đến năm 2022, chúng ta lại có công văn quy định, việc sử dụng máy mượn, máy đặt không có trong quy định của văn bản pháp luật và đề nghị dừng. Sau đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144 để tháo gỡ khó khăn này nhưng chỉ có giá trị cho các hợp đồng đặt mua hóa chất và đặt máy trước ngày 5-11-2022. Chính vì vậy, bây giờ không còn hóa chất để làm”, GS.TS Trần Bình Giang phân tích.

Cần sớm khắc phục tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế.

Về vấn đề hóa chất xét nghiệm, theo ông Trần Bình Giang, bệnh viện cũng đã tìm các phương án khác để xử lý. Hiện có 3 phương án, nhưng đều không khả quan.

Phương án thứ nhất, đó là bệnh viện chấp nhận mua máy (quy trình đấu thầu mất khoảng 6 tháng). Bệnh viện không có tiền thì có thể vay tiền để mua máy và chấp nhận trả thêm tiền bảo hành, bảo trì… Tuy nhiên, một máy xét nghiệm có giá trị nhiều chục tỷ đồng sẽ đi kèm hóa chất riêng của hãng đấy. Do đó, khi đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy đó thì rơi vào tình trạng chỉ có 1 hóa chất, tức là rơi vào tình trạng chỉ định thầu, vi phạm pháp luật nên không thể làm theo phương án này được.

Phương án thứ hai là thuê máy. Phương án này cũng rơi vào tình trạng vi phạm chỉ định thầu như phương án thứ nhất. Bởi vì hóa chất mua kèm theo máy, không mua hóa chất khác được.

Phương án thứ ba là liên doanh, liên kết để có thể sử dụng hóa chất nhưng không có quy định nào của pháp luật về chuyện này. Thêm vào đó,  giá trị để đưa vào liên doanh, liên kết cũng không tính được.

Giống như Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, trong điều kiện thiếu trang thiết bị, thiếu vật tư, thuốc, tập thể Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ngày đêm tìm giải pháp, tập trung vào công tác mua sắm thuốc phục vụ số lượng lớn bệnh nhân.

“Hiện tại, một số văn bản pháp quy đang bất cập, chúng tôi vừa làm và vừa gỡ. Vướng ở chỗ nào, chúng tôi lại làm văn bản báo cáo trình Bộ Y tế và các cấp có thẩm quyền sửa đổi để kịp thời phục vụ công tác mua sắm thuốc, đấu thầu thuốc cũng như trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ người bệnh. Mong rằng, các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp ngành Y tế, giúp cho các bệnh viện có những văn bản pháp quy hợp lý để chúng tôi có một hành lang pháp lý chuẩn. Chúng tôi đi trên hành lang đó và tự tin để làm công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh”, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu thiết bị y tế, người bệnh phải chuyển lên tuyến trên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.