Hai người đàn ông đã thiêu sống một thiếu nữ Ấn Độ sau khi bị gia đình nạn nhân đòi bồi thường vì cáo buộc bắt cóc và hiếp dâm.
Theo AFP, vụ việc xảy ra ngày 4-5 tại bang Jharkhand, miền Đông của Ấn Độ. Hai nghi phạm, với sự giúp sức của đồng bọn, đã tấn công gia đình một thiếu nữ 16 tuổi và thiêu sống cô gái. Nạn nhân được xác nhận đã tử vong.
Trước đó, ngày 3-5, cô gái bị hai người đàn ông này bắt cóc ngay tại nhà khi cả gia đình đi vắng. Nhà chức trách cho biết, hai kẻ này đã có hành vi hiếp dâm cô gái trước khi thả cô về.
Thiếu nữ bị thiêu sống đã tử vong. Ảnh: Vice News. |
Gia đình cô gái sau đó khiếu nại tới hội đồng già làng về vụ việc. Hình phạt mà hội đồng gồm những người cao tuổi trong làng đưa ra cho hai kẻ hiếp dâm là bồi thường 750 USD và phạt gập bụng 100 cái. Hai kẻ hiếp dâm đã nổi giận vì bị trừng phạt và tìm tới nhà nạn nhân để trả thù.
"Hai người đàn ông có liên quan đã bỏ trốn. Một đội điều tra đặc biệt đã được thành lập để xử lý vụ việc", sĩ quan cảnh sát địa phương Ashok Ram nói với AFP.
Vụ việc tại Jharkhand diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang dậy sóng trước hàng loạt vụ án tấn công tình dục gây phẫn nộ thời gian qua, bất chấp luật pháp đang ngày càng được siết chặt.
Biểu tình đã nổ ra tại nhiều thành phố sau khi chi tiết vụ án một bé gái 8 tuổi bị hiếp dâm tập thể và bị sát hạt tại Kashmir vỡ lở hồi tháng 4. Theo đó, nhóm thanh niên theo đạo Hindu đã tấn công một bé gái theo đạo Hồi với mục đích gửi thông điệp đe dọa tới cộng đồng Hồi giáo nơi nạn nhân sinh sống.
Biểu tình lớn nổ ra thời gian qua tại các thành phố của Ấn Độ chống lại các vụ tấn công tình dục. Dòng chữ của người biểu tình mang theo có nghĩa: Chấm dứt bạo lực với phụ nữ. Ảnh: AFP. |
Hôm 4-5, một người đàn ông 55 tuổi bị cáo buộc đã cưỡng bức bé gái 9 tuổi tại bang Andhra Pradesh. Người này sau đó đã tự sát.
Ấn Độ ghi nhận khoảng 40.000 vụ hiếp dâm mỗi năm, tuy nhiên con số thực tế có thể lớn hơn nhiều do nhiều trường hợp gia đình nạn nhân không báo cáo với nhà chức trách bởi lo sợ kỳ thị nhắm vào nạn nhân của tấn công tình dục. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc được giải quyết thông qua các hội đồng địa phương, thay vì hệ thống pháp luật nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.