(HNM) - Hiện nay, hệ thống nhà thiếu nhi tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa phát triển đồng bộ. Tại các quận trung tâm có nhiều địa điểm vui chơi giải trí trong khi các huyện ngoại thành chỉ có rất ít. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến chia sẻ của các em HS và các bậc phụ huynh về vấn đề này nhé.
Em Hoàng Thu Ngân, HS lớp 9, Trường THCS Hương Ngải:
- Quê em cũng có nhà văn hóa huyện, nhưng nó nằm khá xa nhà nên em ít khi đến đó. Nhà văn hóa ít tổ chức hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi, thường cho thuê để tổ chức tiệc cưới, làm nơi trông giữ xe... Do không có chỗ chơi vào dịp nghỉ hè nên tối đến bọn em thường đi chơi quanh làng. Trong số bạn của em, nhiều bạn lao vào chơi game, "chát chít", có hôm chơi thâu đêm không về. Chỉ có những bạn nữ và số ít bạn nam tham gia sinh hoạt hè, mỗi tuần một vài lần theo phong trào chung của xã.
Em Nguyễn Văn Minh, HS lớp 10, Trường THPT Đoàn Thị Điểm:
- Nhà em ở Khu đô thị Mỹ Đình I, gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình nên cứ vào 5 giờ chiều là bọn em lại ra khu vực đó đá bóng. Nhưng ở đó lúc nào cũng đông kín trẻ em ở các vùng lân cận kéo ra chơi. Nhiều khi chúng em phải ra quảng trường và những con đường đang được thi công dở, lấy đó làm sân chơi cuối ngày. Có bạn bày gạch, đá ngay giữa đường để làm cầu môn đá bóng hoặc căng lưới chơi cầu lông, bóng chuyền, mặc cho xe cộ đi lại như mắc cửi. Nguy hiểm thấy rõ nhưng biết làm sao khi chúng em thiếu chỗ chơi!
Chị Nguyễn Minh Thùy, phụ huynh HS, Hà Nội:
- Ở Hà Nội, những điểm vui chơi dành cho trẻ em vẫn chỉ là những cái tên quen thuộc như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất... Những địa điểm này cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em ở các quận nội thành. Còn tại các vùng ngoại thành, mặc dù ở nhiều khu đô thị mới, những khu chung cư khi xây đều có thiết kế không gian, khuôn viên vui chơi cho trẻ, nhưng khi triển khai dự án thì đa số chủ đầu tư đều tìm mọi cách ăn bớt "khoảng không". Nhiều khu vui chơi còn bị chiếm dụng để kinh doanh trông giữ xe, bán hàng ăn, giải khát... Vậy là những "khoảng trống" hiếm hoi như vỉa hè, bãi cỏ công cộng, đình làng, ao hồ, thậm chí là lòng đường cũng được trẻ tận dụng làm nơi vui chơi.
Không phải tại xã, huyện nào cũng có nhà văn hóa cho thiếu nhi. Sân chơi dành cho thiếu nhi ngoại thành còn thiếu, các hoạt động hè thiếu hấp dẫn. Chính vì vậy mà trẻ em tìm đến game, chát, cờ bạc, lêu lổng ngoài đường, dễ sa vào những tệ nạn xã hội khác. Do đó, việc xây dựng thêm nhiều sân chơi cho trẻ, đặc biệt là ở các vùng ngoại thành là vô cùng cần thiết. Điều này không mới và ai cũng biết, nhưng đáng tiếc là hiện vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.