(HNM) - Sau hơn hai tháng Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực, nhiều trường hợp đã bị xử lý với mức phạt khá cao.
Vẫn tràn lan vi phạm
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, ngày 18-11-2016, của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 1-2-2017), các mức phạt khá cao. Cụ thể, phạt tiền 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu và tàn thuốc lá; từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Ngoài ra, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng.
Lực lượng Cảnh sát môi trường lập biên bản xử phạt một vụ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. |
Nghị định cũng nêu rõ, thẩm quyền xử phạt những hành vi này là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường. Lực lượng chức năng sẽ bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh để xử lý người vi phạm. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm có thể bị nêu tên công khai kèm thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh…
Tuy nhiên, sau hơn hai tháng Nghị định có hiệu lực thi hành, hiện tượng vứt rác bừa bãi tại mặt đường, ngõ phố, trong các khu dân cư vẫn chưa giảm. Thậm chí, hành vi vứt đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng vẫn diễn ra khá phổ biến. Tại Bến xe khách Mỹ Đình - Hà Nội, đầu mẩu thuốc lá vương vãi khắp mặt đất. Đặc biệt, đoạn đường Trung Kính, rác thải vẫn bị để ngay dưới lòng đường, sát vỉa hè. Dọc đường Trần Kim Xuyên, phường Yên Hòa (Cầu Giấy), ngay cả xe chứa rác của đơn vị thu gom rác cũng nối đuôi nhau thành hàng dài. Cách trụ sở UBND phường Ngọc Khánh (Ba Đình) không xa, tình trạng túi ni lông rác để tràn lan tại chân cột điện, gốc cây vào cuối giờ chiều vẫn tái diễn. Tương tự, ở TP Hồ Chí Minh, dù có nhiều biển cấm hút thuốc ở các bệnh viện, nhưng cả khách, thậm chí nhân viên bảo vệ vẫn vô tư hút. Phường Bến Nghé (quận 1) vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi...
Cần sự quyết liệt của các cấp chính quyền
Phân tích nguyên nhân vì sao các quy định của Nghị định 155/2016/NĐ-CP chậm đi vào cuộc sống, nhiều chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là các cơ quan chức năng chưa ý thức được tầm quan trọng, tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường, từ đó chưa tập trung nguồn lực để thực hiện quyết liệt. Nhiều bãi rác tự phát mọc lên, bốc mùi hôi thối, nhưng chính quyền cơ sở mới chỉ cắm biển cấm.
Trong khi đó, những người thực thi công vụ phản ánh, việc xử phạt các vi phạm hành chính liên quan đến việc điều chỉnh hành vi ứng xử của người dân nơi công cộng rất khó. Cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xử phạt sẽ phải dành thời gian 24/24 giờ, mới có thể thực hiện được các quy định trong Nghị định. Trưởng Công an phường Ngọc Khánh (Ba Đình - Hà Nội) Nguyễn Đức Quý cho biết, ngay khi nhận được thông tin phóng viên nêu, Công an phường đã yêu cầu cơ sở vi phạm thu dọn vật liệu xây dựng. Song, hành vi vi phạm môi trường có nhiều dạng, diễn ra rất nhanh, trong khi đó không có camera giám sát lưu lại hình ảnh làm bằng chứng nên người vi phạm dễ dàng chối cãi. Để giảm tải cho lực lượng chức năng, các quận: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Ba Đình, Nam Từ Liêm... đã tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tham gia tố giác hành vi xả rác nơi công cộng. Đáng tiếc, cũng vì lý do "khó bắt tại trận" nên rác vẫn vứt bừa bãi ở một số nơi, lực lượng chức năng dọn hôm trước hôm sau lại tái diễn.
Để Nghị định 155/2016/NĐ-CP đi vào cuộc sống, các cấp, ngành chức năng cần quyết liệt vào cuộc, hỗ trợ tối đa các phương tiện, máy móc cho lực lượng thi hành công vụ, xử lý nghiêm kết hợp tuyên truyền sâu rộng cho người dân. Cũng có thể thiết lập kênh tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản hồi từ người dân về những trường hợp vi phạm để có thể “phạt nguội”. Quan trọng hơn, nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung chế tài để đội ngũ cán bộ thực thi công vụ phát huy hết trách nhiệm của mình, tránh để xảy ra tiêu cực hoặc làm ngơ cho vi phạm.
Cùng với việc xử phạt, nhiều ý kiến đề nghị nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nơi công cộng, nhất là nhà vệ sinh công cộng. Cần thiết luật hóa quy định về số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng hạ tầng công cộng ngay từ khi duyệt dự án, thiết kế thi công trung tâm thương mại, khu chung cư hoặc những điểm vui chơi công cộng. Việc làm này vừa bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm cho đối tượng thụ hưởng; vừa là căn cứ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình không chấp hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.