Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu kinh phí, thiếu cả trách nhiệm

Tuấn Lương| 18/08/2017 06:54

(HNM) - Nguồn kinh phí hạn hẹp, trong khi các cấp chính quyền nhiều địa phương chưa vào cuộc và thiếu sự phối hợp với ngành Đường sắt trong quản lý và tuân thủ quy hoạch, nên việc bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt bị coi nhẹ...

Đó là nội dung quan trọng được nêu ra tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2017 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa tổ chức.


Nhiều dự án "án binh bất động" vì thiếu kinh phí

Theo ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hiện nay do mới được bố trí vốn 280/560 tỷ đồng (50%) của hạng mục 291 đường ngang, còn các hạng mục khác đều chưa được bố trí vốn, hoặc bố trí ít nên hầu hết các dự án công trình an toàn giao thông chưa được triển khai, hoặc chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Cụ thể, công tác đền bù giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt (giai đoạn 2014-2016) bảo đảm tầm nhìn thông thoáng tại các đường ngang và tại những vị trí xây dựng đường gom, hàng rào để xóa các lối đi dân sinh trái phép vượt qua đường sắt, dự kiến kinh phí khoảng 700 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2017 thực hiện đền bù giải tỏa tại những vị trí còn lại, dự kiến kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay các dự án này chưa được bố trí vốn. Giai đoạn 2014-2016, theo kế hoạch sẽ hoàn thành việc cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông đường sắt trên các tuyến và bàn giao cho các địa phương quản lý (kinh phí 25 tỷ đồng); hoàn thành xây dựng 72km hàng rào đường gom (kinh phí 280 tỷ đồng) và giai đoạn 2016-2017 thực hiện khoảng 320km đường gom, hàng rào còn lại để cơ bản đóng các lối đi dân sinh (kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, năm 2014 không được bố trí vốn, năm 2015 bố trí 1,5 tỷ đồng và năm 2017 bố trí 500 triệu đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư. Trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 không được bố trí vốn để triển khai, nên dự án 72km đường gom đang phải tạm dừng.

Cũng trong tình trạng chỉ được bố trí số vốn quá ít, nên các dự án xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung với đường sắt đang phải tạm dừng, mặc dù đã hoàn thành việc khảo sát, thiết kế, đã báo cáo đầu kỳ từ năm 2014 (gồm xây dựng mới cầu Lục Nam; 3 cầu còn lại là cầu Bắc Giang, Chung Lu và Long Đại chỉ xây dựng phương án kết nối giao thông với đường bộ). Hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang cũng trong tình trạng tương tự khiến cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt đã khó lại càng thêm khó.

Và thiếu cả trách nhiệm

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh an toàn đường sắt (Tổng công ty VNR) cho biết, trung bình cứ 1,85km đường sắt lại có 1 vị trí giao cắt, mật độ dày cùng với ý thức người dân còn hạn chế dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt rất cao. Hiện, số vụ tai nạn tại đường ngang dân sinh chiếm tới 70% số vụ tai nạn đường sắt. Trong khi đó, cho dù đã rất nỗ lực xóa bỏ, nhưng tính đến nay cả nước vẫn tồn tại hơn 4.000 lối đi dân sinh giao cắt với đường sắt. Do đó, giải pháp cấp bách có tác động trực tiếp đến tai nạn giao thông đường sắt là phải giải quyết được lối đi dân sinh.

Theo ông Đới Sỹ Hưng, trong quá trình đô thị hóa, một số địa phương khi giao đất cho các doanh nghiệp xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư,... tại các thành phố, thị xã, thị trấn đã thiếu sự phối hợp với ngành Đường sắt trong quá trình thực hiện quy hoạch, nên việc tuân thủ về giao cắt, về chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt bị xem nhẹ. Điều này dẫn tới rất khó khăn cho các cơ quan liên quan khi giải tỏa hành lang để xây dựng các công trình đường gom, hàng rào, nâng cấp sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt. Các cấp chính quyền nhiều địa phương chưa vào cuộc, mặc dù đã có quy chế phối hợp giữa Bộ GT-VT, Tổng công ty VNR với UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, song hiện nhiều địa phương chưa triển khai đầy đủ các nội dung của quy chế đã ký.

Đặc biệt, có 10 tỉnh chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận); 3 tỉnh, thành phố tổ chức cảnh giới rất ít so với yêu cầu thực tế (Yên Bái, Hải Phòng, Nghệ An); 3 tỉnh, thành phố chưa chỉ đạo một số UBND xã, phường, thị trấn tiếp nhận quản lý lối đi tự mở trên địa bàn (Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa). Có những địa phương thiếu quyết liệt trong việc giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu kinh phí, thiếu cả trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.