Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu chính sách đãi ngộ cụ thể

Mai Hà| 08/08/2014 05:52

(HNM) - Theo Luật KH&CN năm 2013, các trường ĐH được xác định là một loại hình tổ chức bình đẳng với các viện nghiên cứu, đồng thời, quan điểm của Bộ KH&CN cũng coi các trường ĐH là những cơ sở quan trọng nhất. Tuy nhiên, từ góc nhìn của mình, các nhà đào tạo ĐH còn thấy nhiều bất cập trong việc phát triển KH&CN trong các trường.

Tăng cường truyền thông, tạo cơ chế đầu tư phù hợp

Chia sẻ về chiến lược phát triển KH&CN của đất nước nói chung và các trường ĐH nói riêng, PGS.TS Phạm Thành Huy, Viện Nghiên cứu tiên tiến KH&CN (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng: Hiện nay, đa số công chúng chưa quan tâm đến tình hình phát triển KH&CN. Đặc biệt, các nhà khoa học cũng chưa có cách tiếp cận phù hợp để đưa những thông tin khoa học, những kết quả nghiên cứu và thành tựu công nghệ Việt Nam đến với công chúng. Lúc này, nhận thức đúng của công chúng về vai trò của khoa học, cùng những chính sách và định hướng cụ thể của Nhà nước sẽ là chìa khóa giúp KH&CN đến gần hơn với cuộc sống.

Theo PGS.TS Phạm Thành Huy, truyền thông có vai trò rất lớn trong việc thu hút giới trẻ tham gia học các ngành khoa học cơ bản và nghiên cứu sáng tạo. Đặc biệt, việc ươm mầm tình yêu khoa học cần được quan tâm ngay từ những năm cuối bậc học phổ thông, không nên chỉ tập trung vào trang bị kiến thức cho học sinh, mà còn cần giúp các em phát huy được năng lực tư duy, khả năng tự học, kỹ năng tìm kiếm thông tin và giải quyết vấn đề, tự nghiên cứu. Đó chính là những kỹ năng và yếu tố cần thiết để thúc đẩy các em đến gần với hoạt động nghiên cứu khoa học một cách tự nhiên, cũng như chủ động hơn trong nghiên cứu, sáng tạo sau này.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, bên cạnh việc chú trọng truyền thông KH&CN tới toàn xã hội cũng như các trường ĐH, rất cần có sự đầu tư phù hợp cho khoa học cơ bản nói riêng và cho KH&CN nói chung. Để có một nền tảng KH&CN vững chắc, ĐH Quốc gia Singapore mỗi năm dành cho công tác nghiên cứu hơn 500 triệu USD, gấp hơn 500 lần so với mức đầu tư nghiên cứu tại các trường ĐH trọng điểm ở nước ta. "Nói như vậy có nghĩa là muốn khoa học cơ bản phát triển tốt thì cần phải đầu tư đạt ngưỡng, cần có nhiều đầu bài hay và phải có cán bộ khoa học giỏi", GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Cụ thể hóa chủ trương thu hút nhân tài

"Với đặc thù của ngành, để phát triển KH&CN trước hết cần sự đam mê và tinh thần cống hiến. Bên cạnh đó, quan trọng không kém là cần có các cơ chế chính sách và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước", GS.TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định. Ông cũng cho rằng: "Đối với một số ngành khoa học cơ bản cần đầu tư như vật lý và năng lượng hạt nhân, Nhà nước đã quan tâm đến chế độ và chính sách cho giai đoạn học ĐH, tuy nhiên, lại chưa chỉ ra cho người học thấy khả năng và tương lai như việc làm, khả năng phát triển tiếp theo, do đó các ngành học này chưa đủ sức thu hút bạn trẻ".

Nhìn rộng ra các ngành khoa học cơ bản khác, điều hết sức cần thiết là phải xây dựng lộ trình đào tạo toàn diện và đầy đủ, bảo đảm có được các nhà khoa học cơ bản trình độ cao, kèm theo đó là các chính sách cần thiết đối với việc sử dụng, đãi ngộ nhân tài, tạo niềm tin cho thế hệ trẻ yên tâm dồn tâm huyết và quyết tâm đi đến đích cuối cùng. Bên cạnh đó, theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, các nhà khoa học chỉ có thể yên tâm và cống hiến tốt trong một môi trường học thuật và nghiên cứu thuận lợi. Do vậy, Nhà nước cần quan tâm đầu tư để Việt Nam có nhiều trung tâm nghiên cứu, đào tạo hiện đại và đồng bộ, tạo nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học ở mức đủ đáp ứng nhu cầu sáng tạo của các nhà khoa học.

PGS.TS Phạm Thành Huy cũng cho rằng, mặc dù KH&CN luôn được coi là quốc sách hàng đầu, nhưng hiện nay vẫn thiếu những chính sách và hành động cụ thể để đưa lĩnh vực này thực sự trở thành động lực then chốt cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội. "Chủ trương thu hút nhân tài đã có, tuy nhiên, việc ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính khả thi thì còn chậm, do còn nhiều vướng mắc", PGS.TS Phạm Thành Huy nói.

Mong muốn của các nhà đào tạo cũng là nỗi băn khoăn mà Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã bày tỏ khi khẳng định sự hợp tác giữa KH&CN với giáo dục, đào tạo: Chúng tôi luôn luôn sát cánh với nền GD-ĐT bởi không có các trường ĐH thì nền khoa học của chúng ta là một nền khoa học què quặt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng xác định đây là một bài toán lâu dài bởi hiện nay, sự gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu và sản xuất kinh doanh vẫn đang là vấn đề có nhiều vướng mắc nhất, không dễ "gỡ" trong ngày một ngày hai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu chính sách đãi ngộ cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.