(HNM) - Đã hơn một tháng kể từ ngày Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL), Bộ Tư pháp "tuýt còi" đối với Thông tư số 52/2010/TT-BCA quy định chi tiết một số điều về Luật Cư trú của Bộ CA (ngày 16-5), đến nay cơ quan này vẫn chưa có động thái sửa sai.
Trong khi đó, theo ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục KTVBQPPL, văn bản nêu trên chẳng những lỗi về mặt thể thức mà còn gây khó khăn cho công dân khi đăng ký thủ tục thường trú. Cụ thể, điểm đ, khoản 1, Điều 6 Thông tư 52 quy định, công dân khi làm thủ tục đăng ký thường trú "phải xuất trình bản chính giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, nộp bản sao cho cơ quan đăng ký cư trú…" là trái với Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Nghị định 79, chỉ trong trường hợp bản sao không được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao không có chứng thực, cơ quan tiếp nhận mới yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Còn bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.
Tuy nhiên, Bộ CA lại có quan điểm khác. Cơ quan này khẳng định, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, chỉ yêu cầu công dân xuất trình bản chính giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đối chiếu với "bản sao" chứ không phải "bản sao được chứng thực từ bản chính do bộ phận một cửa các phường chịu trách nhiệm thẩm định, đóng dấu". Từ đó, Bộ CA khẳng định, qui định này tạo điều kiện cho người dân không cần làm thủ tục chứng thực đối với giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi làm thủ tục đăng ký thường trú, mà chỉ cần nộp bản sao và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu.
Vấn đề là ở chỗ, điểm d, Khoản 1, Điều 6 Thông tư 52 chỉ đề cập đến "bản sao" chung chung mà không có sự phân biệt giữa bản sao các giấy tờ đã có hoặc chưa có chứng thực. Trong khi đó, pháp luật hiện hành quy định, nếu người dân sử dụng các giấy tờ nhà đất bản sao (loại có chứng thực) để làm thủ tục đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không được yêu cầu người dân xuất trình bản chính để đối chiếu, bởi căn cứ theo Điều 3 Nghị định 79/2007/NĐ-CP, "bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch".
Đặt giả thiết do đặc thù của công tác quản lý cư trú mà phải áp dụng đối với một số trường hợp đặc biệt như trong quy định của Thông tư 52 thì Bộ CA cần kiến nghị Chính phủ bổ sung điểm d, khoản 1, Điều 6 Thông tư 52 tại các văn bản liên quan, không thể tự đưa thêm quy định hướng dẫn trong thông tư của Bộ trái với quy định của Chính phủ như hiện nay.
Như vậy, có thể thấy điểm thiếu sót của Thông tư 52 chính là không chi tiết hóa. Điều này có thể gây khó khăn cho cả bộ phận quản lý đăng ký thường trú và người dân trong quá trình giao dịch, rất có thể xảy ra trường hợp mỗi địa bàn áp dụng một kiểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.