Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu cả thầy lẫn thợ

Hà Thanh| 16/12/2010 07:42

(HNM) - Hiện nay các làng nghề sản xuất các mặt hàng truyền thống đang có dấu hiệu phục hồi mạnh nhưng lại bắt đầu gặp phải những khó khăn mới do thiếu nguồn nhân lực thực hiện các đơn hàng. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

- Xin ông cho biết thực trạng lao động tại các làng nghề hiện nay?

- Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trong thời gian gần đây, số lao động thường xuyên trong các làng nghề giảm tới 35%. Hầu hết chủ các doanh nghiệp sản xuất cho biết, thiếu nhân lực là một trong những khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Lao động địa phương với nghề sơn mài truyền thống ở xã Duyên Thái (huyện Thường Tín). Ảnh: Bá Hoạt

- Thực trạng thiếu lao động là do đâu, thưa ông?

- Thứ nhất, lao động làng nghề xưa nay được thu nạp chủ yếu từ nguồn lao động địa phương. Họ luôn thường trực thói quen chỉ làm nghề theo mùa vụ hoặc làm trong những lúc nông nhàn. Thống kê cho thấy, hiện cả nước có hơn 11 triệu lao động làng nghề nhưng chỉ có khoảng 4 đến 5 triệu là lao động thường xuyên.

Thứ hai là năm 2009, do suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động của các làng nghề bị ảnh hưởng, lao động làng nghề không có việc đã đi tìm công việc khác. Nay làng nghề phục hồi cũng là lúc các lao động rời bỏ làng nghề đã “yên vị” được ở một công việc mới.

Thứ ba, là việc tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn khó khăn do một số địa phương thiếu những quy hoạch tổng thể để đẩy mạnh tiêu thụ. Điều đó khiến thanh niên địa phương chưa mặn mà với nghề truyền thống.

- Vậy, Hiệp hội Làng nghề có giải pháp gì để phục hồi và giữ vững các làng nghề truyền thống?

- Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi vùng, mỗi địa phương có một định hướng hay chiến lược quy hoạch và phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện của địa phương. Ví dụ ở Hà Nội, hiện có hơn 1.000 làng nghề ở 19 huyện, thị xã. Năm 2009, giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội đã đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn thành phố. Riêng 256 làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống (tính đến hết năm 2008) đã đạt giá trị sản xuất 4.791 tỷ đồng. Chính vì thế, Hà Nội đã có chính sách phát triển làng nghề khá bài bản là áp dụng tiêu chuẩn của một làng nghề truyền thống để từ đó đặt ra mục tiêu phát triển sao cho phù hợp.

Theo tiêu chuẩn mới của Hà Nội, làng nghề truyền thống phải có số năm hoạt động nghề từ 50 năm trở lên, giá trị kinh tế phải đạt trên 50%GDP của xã và trên 30% số lao động trong xã làm nghề. Đối với nghệ nhân phải có từ 10 năm trở lên làm nghề, sáng tác thiết kế được 5 mẫu sản phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao, trực tiếp làm ra 10 tác phẩm có giá trị kinh tế, mỹ thuật và tham gia đào tạo truyền nghề tối thiểu cho 50 người.

Những tiêu chuẩn nêu trên chứng tỏ làng nghề đó thực sự có tiềm năng phát triển và cơ hội làm giàu cho lao động. Tuy nhiên, để làm việc chuyên nghiệp, người lao động phải được đào tạo và học hành bài bản.

- Ông cho biết cụ thể hơn vấn đề đào tạo nghề cho người lao động?

- Trước thực trạng thiếu trầm trọng lao động cho các làng nghề, đặc biệt là lao động có nghề, chúng tôi đã đề xuất và được Chính phủ chấp nhận kế hoạch đào tạo 1 triệu lao động cho các làng nghề. Dự kiến đến hết năm 2010 sẽ có khoảng 7.000 lao động được đào tạo các nghề truyền thống phục vụ cho các làng nghề. Theo chương trình này, lao động học xong sẽ được giới thiệu việc làm và trong khi đào tạo không phải đóng bất cứ một khoản phí nào.

Tuy nhiên, đó là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, chúng tôi cần nhiều hơn nữa những chính sách như thế để “người làng nghề yên tâm sống với nghề”.

- Xin cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu cả thầy lẫn thợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.