Góc nhìn

Thiết thực và thực chất

Hoàng Lê 24/12/2023 14:00

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 4254/UBND-KGVX về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường.

Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trong cơ sở giáo dục cũng như gia đình học sinh về mối nguy hiểm của bạo lực học đường, về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa hành vi bạo lực học đường theo khả năng của bản thân...

Đó được coi là phản ứng phù hợp, sự chỉ đạo cần thiết của thành phố Hà Nội trong bối cảnh vấn nạn bạo lực học đường vẫn là nỗi lo thường trực của ngành Giáo dục tại nhiều địa phương.

Trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội kỳ họp tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ đầu tháng 9-2021 đến đầu tháng 11-2023, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường - một thông tin không thể xem nhẹ. Khoảng 1 tháng sau đó, vấn đề này lại được xới lên, gay gắt hơn sau khi một nhóm học sinh lớp 7 tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) vây ép, xúc phạm cô giáo rồi quay video và đăng lên Facebook.

Văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về công tác tuyên truyền, giáo dục, giải pháp ngăn chặn nạn bạo lực học đường, nỗi băn khoăn của đại biểu Quốc hội cũng như những người quan tâm tới thế hệ tương lai của đất nước, tất cả cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, hướng tới hiệu quả thực tế.

Tuy vậy, mong ước và thực tế nhiều khi khác xa nhau. Những chương trình, giải pháp, kế hoạch hành động cần được triển khai thực hiện một cách thực chất, có trách nhiệm, sát với diễn biến cuộc sống. Theo dõi những gì đang diễn ra, người quan tâm nghĩ đến những kiến nghị về y tế học đường, tâm lý học đường, nghĩ tới sự bàn luận về nội dung giáo dục cảm xúc xã hội, một khái niệm được nhắc tới ngày một nhiều hơn.

Còn nhớ trong buổi ra mắt cuốn sách “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội” vào dịp cuối năm ngoái, trả lời phỏng vấn báo chí, tác giả Hồng Đinh đã nhận định rằng giáo dục cảm xúc xã hội là một nội dung quan trọng nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Nội dung học tập này quan trọng bởi thông qua đó, học sinh được bồi dưỡng năng lực tự nhận thức và quản lý cảm xúc, xây dựng các mối quan hệ hợp tác, cảm nhận và thể hiện sự thấu cảm với người khác, đưa ra quyết định có tính trách nhiệm...

Theo giới chuyên môn, nhiều quốc gia rất quan tâm tới nội dung này, thậm chí có nơi đưa giáo dục năng lực cảm xúc xã hội thành môn học có giáo viên chuyên trách, có kiểm tra, đánh giá chất lượng học.

Thực ra, tại Việt Nam, nội dung nói trên không phải là “khoảng trống” gần đây mới được bổ sung. Có thể thấy những thành tố liên quan loáng thoáng trong những giờ học đạo đức, ngữ văn, kỹ năng sống... Tuy nhiên, hiệu quả cuối cùng vẫn là một dấu hỏi lớn.

Vào năm 2013, một cuộc điều tra xã hội học do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện đã tiếp cận vấn đề cảm xúc của học sinh thông qua bảng hỏi được gửi tới khoảng 3.000 học sinh, giáo viên và phụ huynh. Khi đó, khoảng 25% trong số giáo viên được hỏi nói rằng họ không chủ động để hiểu tâm trạng của học sinh và chỉ có 15,1% học sinh tìm đến giáo viên để chia sẻ về điều khiến trẻ không thoải mái...

Những dự án nghiên cứu về giáo dục cảm xúc xã hội đối với trẻ em được thực hiện ngày một nhiều hơn. Tuy vậy, cảm giác về sự không theo kịp của giải pháp giáo dục cụ thể ở khối nhà trường so với kết quả nghiên cứu và khuyến nghị của giới chuyên môn vẫn không mất đi. Năng lực cảm xúc xã hội giúp trẻ nhận thức sự đúng - sai, tôn trọng sở thích cá nhân của người khác và hành động có trách nhiệm, nếu được nhà trường và gia đình dạy dỗ đúng cách thì làm sao thi thoảng lại xuất hiện cảnh trẻ trai trẻ gái xúm xít hò reo trước cảnh bạn mình đánh nhau rồi quay video để tung lên mạng? Đất sống của bạo lực học đường có còn khi trẻ thấm thía kỹ năng đối thoại, thiết lập mối quan hệ hợp tác dựa trên sự tôn trọng người khác, tránh xa điều xấu?...

Xử lý sự vụ là giải quyết phần ngọn, gốc vấn đề phụ thuộc vào giải pháp giáo dục trẻ ngay từ nhỏ của gia đình và nhà trường. Bài học cho hiệu quả thực tế, thiết thực nhiều khi nằm ngoài giáo án, đến được với trẻ hay không đòi hỏi thời gian, công sức, sự sáng tạo và nhất là trách nhiệm thường trực đối với con trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực và thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.