Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiên tai là ”chuyện của trời”?

Thế Phương| 04/04/2013 06:17

(HNM) - Những ngày gần đây, mưa đá bất ngờ và liên tiếp xuất hiện tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa và Nghệ An làm nhiều người chết và bị thương. Trong đó Lào Cai là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Giới chuyên gia khí tượng cho rằng: Kích thước của những hạt mưa đá trong trận mưa vừa qua thể hiện sự chênh lệch quá lớn về nhiệt độ trong không khí. Đây là dạng dị thường về độ lớn của hạt đá nhưng là hiện tượng thiên nhiên diễn ra theo đúng quy luật. Đồng thời, họ khuyến cáo người dân cách nhận biết được mưa đá sắp xảy như: ban ngày có dông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời… ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột... Giới khoa học nói vậy, khuyến cáo vậy, người dân bình thường cũng chỉ biết vậy mà thôi. Nhưng nếu cho rằng đây là hiện tượng "bình thường" (diễn ra đúng quy luật) thì chắc chắn những nạn nhân của thảm họa mưa đá sẽ nói: Không! Bởi lẽ từ thuở cha sinh mẹ đẻ, mấy chục năm qua, họ không gặp những trận mưa đá lớn như thế. Vậy, quy luật ấy được tính toán từ cơ sở nào?

Vấn đề mà người dân quan tâm nhiều nhất, lo lắng nhất là mưa đá có tiếp tục diễn ra hay không, diễn ra ở đâu? Giới chuyên gia có thể dự báo được thời điểm diễn ra mưa đá hay không? Câu trả lời là: Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa dự báo được mưa đá xảy ra, các nước tiên tiến trên thế giới cũng không phải là ngoại lệ… Nói như vậy, có thể hiểu việc các nhà khí tượng của Việt Nam không dự báo được thời gian, địa điểm có thể xảy ra mưa đá cũng là chuyện "bình thường" vì… đây "không phải là ngoại lệ", nhiều quốc gia có nền khoa học tiên tiến cũng chịu cảnh như vậy. Song, cách giải thích như vậy của giới chuyên môn có thể chấp nhận được không? Giới khoa học không thể trả lời người dân một cách vô cảm như vậy, Nhà nước không đầu tư cho khoa học để nhận được câu trả lời như thế!

Theo tính toán của Tập đoàn Bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ), mỗi năm bão lụt, thiên tai gây thiệt hại kinh tế tương đương 1,5% GDP của Việt Nam. Các chuyên gia khí tượng thủy văn không chỉ có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình công việc, mà điều quan trọng hơn là phải trả lời cho các cơ quan chức năng và người dân thời gian, địa điểm có thể xảy ra thiên tai. Thế nhưng, thực tế, thiên tai vẫn ập xuống một cách bất ngờ và thường thì người dân và chính quyền các cấp ở địa phương không kịp ứng phó. Có lúc, các nhà khí tượng lại quá "lo xa", khiến cả hệ thống chính quyền cùng người dân "rùng rùng" chuẩn bị đối phó, nhưng rồi thiên tai không đến. Sức người, sức của thành " công cốc, công cò"…

Biến đổi khí hậu với những diễn biến bất thường của thời tiết đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, với cường độ, mức độ ngày càng tăng và thiệt hại cũng sẽ ngày càng lớn hơn. Giới chuyên gia khí tượng không thể xem đây là hiện tượng thời tiết "bình thường" để cứ đưa ra thông tin dự báo "đúng quy trình, quy định". Còn sự thể ra sao thì… mặc kệ! Quy trình đã đặt ra, đương nhiên phải thực hiện, nhưng trách nhiệm trước công việc, trước nhân dân và xã hội không cho phép giới chuyên môn dừng lại ở đó. Họ phải làm nhiều hơn nữa để thiên tai không còn là "chuyện của trời".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiên tai là ”chuyện của trời”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.