(HNM) - Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 20 loại hình thiên tai làm 205 người chết và mất tích, 158 người bị thương; 1.747 ngôi nhà bị đổ, sập và 30.429 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp.
Thiên tai cũng làm 217.829ha lúa và hoa màu bị đổ dập, 30.666ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, 27.155 gia súc, 458.790 gia cầm bị chết, 11.047ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng. Ngoài ra, thiên tai còn làm 343km đê, kè, kênh mương và bờ bao bị sạt trượt, gần 66km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, hơn 8,26 triệu mét khối đất đá đường giao thông bị sạt trượt… Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ước tính khoảng 15.000 tỷ đồng. Tính riêng trận mưa lũ, sạt lở đất, lốc xoáy xảy ra từ ngày 18-11 đến nay tại khu vực Nam Trung Bộ đã làm 20 người chết, 3 người mất tích, 52 người bị thương, 153 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái...
* Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngoài Biển Đông đã hình thành áp thấp nhiệt đới và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 21-11, tâm bão cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 220km; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Thời gian tiếp theo, bão đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 22-11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 80km về phía Đông; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đến 13h ngày 23-11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 200km về phía Đông; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12…
Trên đất liền, bộ phận không khí lạnh tăng cường tiếp tục di chuyển về phía Nam.Do vậy, từ đêm 21-11, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ trở rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-19 độ C, vùng núi có nơi 13-15 độ C. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ chiều tối 21-11 khu vực Bắc Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; từ ngày 22-11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đối với khu vực TP Hà Nội, từ đêm 21-11 có mưa, mưa rào; trời trở rét, nhiệt độ thấp nhất 17-19 độ C…
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, chiều tối 20-11, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn; chủ động phương án sơ tán nhân dân sinh sống ở vùng trũng, thấp, khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát các hoạt động nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai cứu hộ, cứu nạn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.