Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Thiên đường'' Zevrashan

Công Vũ| 03/04/2022 05:59

(HNMCT) - Trong thời cực thịnh của Con đường tơ lụa, thung lũng Zevrashan nằm ở miền Bắc Tajikistan từng được coi là “thiên đường trên mặt đất”. Các nhà văn Trung Quốc, Nga, Iran... từng tốn nhiều giấy mực để ca ngợi mảnh đất này, nơi những hồ nước xanh thăm thẳm luôn đón chào du khách từ phương xa đến. Vậy nhưng, qua thời gian, cái tên Zevrashan dần đi vào quên lãng. Ngày nay, Zevrashan trở thành “bí mật” của những du khách muốn bỏ chốn phồn hoa đô thị để tìm về với thiên nhiên.

Thung lũng Zevrashan tuyệt đẹp.

Nước vàng, nước bạc

Cái tên “Zevrashan” trong tiếng Tajik có nghĩa là “sông vàng”. Thuở xa xưa, người Tajik đổ đến thung lũng vì dưới đáy sông Zevrashan có cát chứa quặng vàng. Sau này, họ mới nhận ra “kho báu” thật sự của con sông là nước. Nhờ có nước sông Zevrashan mà cả một vùng tây bắc Tajikistan mới làm nông nghiệp được. Ngày nay, những hồ Alauddin, Kulikalon, Iskander nằm trên sông Zevrashan còn đem lại cho Tajikistan nguồn lợi thủy điện khổng lồ.

Khách du lịch đi dọc theo Con đường tơ lụa thường rẽ vào Zevrashan sau khi ghé thăm thành phố Samarkand ở Uzbekistan. Người ta đi ô tô qua biên giới Uzbekistan - Tajikistan; một số người thích ngắm cảnh còn tự thuê xe máy. Điều mà khách du lịch cần có trước khi sang bên Tajikistan là một tấm visa do chính phủ nước này cấp. Phần lớn du khách sẽ đi qua cửa khẩu Oybek - cách Samarkand 250km.

Điểm đến đầu tiên mà du khách nên ghé thăm là 7 hồ nước nối tiếp nhau trên núi Shing. Truyền thuyết kể rằng, một ông cụ lên núi bị lạc. 7 người con gái của cụ đi tìm cha không thấy bèn ngồi xuống bên vệ đường khóc lóc. Nước mắt của họ tụ lại tạo thành 7 cái hồ. Các hồ nước nằm giữa những thảm thực vật xanh ngắt sẽ khắc ghi ấn tượng không thể nào quên trong lòng du khách. Khách vãn cảnh hồ có thể đi bộ hoặc thuê lừa lên núi.

Dãy núi Fan gần đó cũng đẹp không kém. Những con đường mòn uốn lượn qua đồng hoa dại, rừng bách và hồ nước là thiên đường cho bất kỳ người nào yêu thích việc tản bộ. Còn những người leo núi chuyên nghiệp lại muốn chinh phục hai đỉnh Chimtarga (5.489m) và Energia (5.210m) cheo leo. Du khách chỉ cần nhớ là không phải chỗ nào cũng được cắm trại. Có hai khu trại dành riêng cho khách ở Artush và Allaudin.

Hồ Iskander Kul mang tên của vị vua Hy Lạp Alexander Đại đế - người đã chinh phục cả châu Âu lẫn châu Á và từng dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ Iskander Kul. Ngày nay, Iskander Kul vẫn thu hút du khách từ khắp nơi. Ai cũng muốn được chèo thuyền ra giữa hồ để ngắm cảnh, nhưng chỉ những người dũng cảm mới dám nhảy xuống bơi trong làn nước lạnh cóng.

Thung lũng Yagnob nằm bên bờ con sông cùng tên là nơi mà người ta tìm đến khi muốn thế giới quên mất mình. Ngoại trừ một số ngôi làng hẻo lánh, thiên nhiên vẫn là chủ của mảnh đất này. Nhiều du khách từng dành đến vài tuần để cắm trại một mình dưới cánh rừng già nhằm tìm lại chút thanh tịnh cho tâm hồn.

Bên trong chợ trung tâm ở Panjakent.

Panjakent, thành phố của lịch sử

Thành phố Panjakent cổ đại được dựng lên bởi người Soghd, một dân tộc nói tiếng Iran ở Trung Á. Panjakent bị quân đội Ả Rập chinh phục vào đầu thế kỷ VIII. Hơn chục năm sau, thành phố bị bỏ hoang và đổ nát. Phải đến tận thời kỳ Xô viết, người Tajik mới trở lại khu vực này và lập nên thành phố Panjakent hiện đại.

Khu phế tích thành phố cổ đại nằm ngay rìa Panjakent và bị khuất bóng đằng sau một ngọn đồi. Các đoàn khảo cổ từ Tajikistan và Nga vẫn đang hằng ngày cặm cụi khai quật khu di chỉ. Du khách có thể dạo một vòng thành phố bỏ hoang, hoặc vào viện bảo tàng gần đó để khám phá cổ vật của nền văn minh Soghd. Đây là cơ hội tốt để du khách tìm hiểu về Hỏa giáo - một tôn giáo còn nhiều điều huyền bí.

Thành phố Panjakent gắn liền với tên tuổi một danh nhân văn hóa: Nhà thơ Abu Abdullah Rudaki, cha đẻ của thi ca Tajik. Những bài thơ bằng tiếng Ba Tư của Rudaki lưu truyền khắp thế giới Hồi giáo và nay vẫn được giảng dạy ở trường. Ông sinh ra tại làng Rudak trong thung lũng Zevrashan, từng dành nhiều năm sống ở Panjakent. Ngày nay có cả một bảo tàng mang tên ông ở Panjakent. Bảo tàng dành hẳn một khu trưng bày những hiện vật liên quan đến cuộc sống và sự nghiệp của Rudaki, trong đó có một số bản nháp do ông viết tay từ thế kỷ X còn tồn tại đến nay. Ngoài ra, ở bảo tàng Rudaki còn có nhiều cổ vật từ các thời kỳ khác nhau trong lịch sử thành phố. Đi một vòng quanh viện bảo tàng, du khách có thể khám phá Panjakent từ thời đế chế Sarazm vào thế kỷ V đến những năm đầu Tajikistan trở thành một nước độc lập (1991).

Tuy Panjakent không còn là trung tâm mua bán như thời cổ đại, du khách vẫn có thể tìm thấy đủ các sản phẩm tại khu chợ trung tâm thành phố: Vải vóc từ Iran; vàng bạc, đá quý từ Uzbekistan, chè đen từ Trung Quốc, và những loại rau củ, hoa quả do chính người địa phương sản xuất. Nếu du khách muốn biết người dân Panjakent sống như thế nào, hay chỉ đơn giản là định tìm món quà kỷ niệm, hãy dạo quanh khu chợ trung tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Thiên đường'' Zevrashan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.