Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19

Vũ Thủy - Đình Hiệp - Ảnh: Viết Thành| 09/12/2021 11:20

(HNMO) - Sáng 9-12, trong ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội và các đại biểu dự phiên chất vấn.

Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố, đại diện các sở, ban, ngành của thành phố.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô đã cơ bản được kiểm soát; bảo đảm công tác an sinh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kinh tế tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì tăng trưởng và có một số chuyển biến tích cực so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần được xem xét, giải trình làm rõ, từ đó xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp.

Chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công

Mở đầu phiên chất vấn, báo cáo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), Hà Nội ghi nhận tổng số 14.925 ca, trong đó 5.443 ca ngoài cộng đồng. Thành phố đã tổ chức thực hiện điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 100.000 ca bệnh, bảo đảm 1.000 giường cho bệnh nhân nặng. Đến nay, các cơ sở đã tiếp nhận điều trị 15.754 F0; số bệnh nhân đang tiếp tục điều trị là 6.722 người.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, từ ngày 11-10 đến nay, thành phố đã xét nghiệm 686.592 mẫu; tiêm vắc xin mũi 1 phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 94,3% và mũi 2 đạt 85%; trẻ em từ 15-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 94,9% và trẻ em từ 12-14 tuổi tiêm mũi 1 đạt 75,9% và đang tiếp tục tiêm theo tiến độ cấp vắc xin của Bộ Y tế.

“Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, thành phố đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội”, đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ).

Chống dịch từ sớm, toàn diện

Chất vấn các vấn đề quan tâm, các đại biểu: Nguyễn Thanh Nam (Tổ Phú Xuyên), Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ), Nguyễn Quang Thắng (Tổ Long Biên) cho rằng, vẫn còn bộc lộ thực trạng y tế cơ sở nhiều hạn chế cả về vật chất và nhân lực, chưa thích ứng nhanh trong yêu cầu mới. Đặc biệt, thành phố đã xây dựng nhiều kịch bản cho phòng, chống dịch, trong đó có kịch bản 100.000 ca mắc. Vì thế, các đại biểu đặt vấn đề, Sở Y tế có giải pháp nào cho việc đáp ứng điều trị các ca bệnh, công tác vận chuyển F0, nâng cao năng lực xét nghiệm để khắc phục tình trạng chậm trả kết quả xét nghiệm như hiện nay; việc cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà như thế nào?

Trả lời các vấn đề trên, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, dự báo thời gian tới dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể lên tới 1.000 ca/ngày. Mặc dù số ca mắc tăng cao nhưng chủ yếu là F0 thể nhẹ không triệu chứng nên thành phố chủ trương điều trị tại nhà. Thành phố đang đẩy nhanh việc tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 để tạo miễn dịch trong cộng đồng. Trước diễn biến phức tạp của biến chủng Omicron, thành phố bám sát thực tiễn, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, toàn diện, đồng bộ ở mức cao nhất có thể để tránh bị động, bất ngờ.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn của các đại biểu.

“Cùng với đó, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin mũi 2 cho người dân. Ngoài nỗ lực của hệ thống chính trị, điều quan trọng là huy động sức mạnh của nhân dân vào công tác phòng, chống dịch”, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Về việc thực hiện cách ly F1 tại nhà, cơ sở lưu trú, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thành phố đã rà soát 30/30 quận, huyện, thị xã với 2.109.525 hộ dân, trong đó 804.631 hộ đủ điều kiện cách ly F1 tại nhà. Cùng với đó, thành phố đã phê duyệt 18 cơ sở lưu trú làm nơi cách ly F1, hiện đã cách ly 403 trường hợp. “Việc điều trị F0 thể nhẹ, cách ly F1 tại nhà là chủ trương đúng đắn, song lực lượng y tế cần sự hỗ trợ để giám sát với những trường hợp này”, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nói.

Về công tác thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thành phố đã ban hành phương án trong đó có phân tầng thực hiện điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 100.000 ca bệnh, đảm bảo 1.000 giường cho bệnh nhân nặng.

Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (Tổ Phúc Thọ) phát biểu chất vấn.

Tránh gây áp lực với học sinh khi học trực tuyến

Liên quan đến công tác đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các đại biểu: Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai), Hoàng Thị Tú Anh (Tổ Phúc Thọ), Nguyễn Vũ Bích Hiền (Tổ Sóc Sơn) cho rằng, nhiều cử tri và phụ huynh lo lắng khi dạy học trực tuyến kéo dài, chất lượng không đáp ứng yêu cầu. Vậy Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến? Một số địa phương đã cho khối 12 đi học trực tiếp, nhưng phụ huynh băn khoăn việc an toàn đối với dịch bệnh, vậy ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có những giải pháp nào trong lĩnh vực này?

Trả lời câu hỏi trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 64 nghìn/2,2 triệu học sinh được học trực tiếp và bảo đảm an toàn. Để bảo đảm chất lượng giáo dục, Sở xác định tổ chức học trực tuyến và trực tiếp để thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi. Đồng thời, chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh.

Về triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo cho biết, sẽ có 10 nghìn học sinh được trang bị thiết bị học trực tuyến. Hiện nay thành phố đã trao được hơn 7 nghìn thiết bị và các nhà mạng đã lắp đặt mạng internet tại hơn 100 thôn, làng, bản.

Về việc thiếu nhân viên y tế trong trường học, đồng chí Trần Thế Cương cho biết, toàn thành phố thiếu 423 người, riêng khối THCS thiếu 88 người. Do đó đề xuất cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, hoặc ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương trả lời chất vấn của các đại biểu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai) về đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo Trần Thế Cương cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Y tế ban hành tiêu chí an toàn trường học để xác định rõ “an toàn trường học” là thế nào, trong đó đảm bảo "một cung đường hai điểm đến", không tổ chức ăn bán trú, giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được dạy học trực tiếp.

Tiếp tục xem xét hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập

Trả lời câu hỏi về việc hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập đang rất khó khăn về đời sống, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nói, đến nay đã hỗ trợ 9.535 người với số tiền gần 25,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ 25,43 tỷ đồng cho 15.653 lao động đặc thù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ngoài các chính sách của thành phố thì Công đoàn ngành Giáo dục, các quận, huyện, thị xã cũng như các nhà đầu tư các trường mầm non vẫn có những hỗ trợ với các giáo viên mầm non ngoài công lập.

Để bảo đảm chính sách an sinh xã hội thời gian tới, trong đó có đối tượng giáo viên mầm non khi đã phải nghỉ dạy hơn 7 tháng, đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát để bổ sung cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ riêng với giáo viên mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các trường hợp đang đóng bảo hiểm bắt buộc nhưng phải tạm hoãn.

Về vấn đề các cơ chế huy động nguồn lực gồm nhân viên y tế nghỉ hưu, sinh viên các trường y, lực lượng y tế tư nhân… tham gia chống dịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian qua lực lượng này đã có nhiều đóng góp vào công tác phòng, chống dịch của thành phố. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng các cơ chế để hỗ trợ các lực lượng này với các mức hỗ trợ cụ thể theo từng ngày trực.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất

Kết luận nội dung chất vấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, đại biểu thảo luận sôi nổi, đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn nhưng trọng tâm, thể hiện được sự quan tâm của cử tri Thủ đô, đúng tinh thần đổi mới trong chất vấn.

Trong đó, ngành Y tế tập trung vào phương án phòng, chống dịch trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá chất lượng việc dạy học, trong đó tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến; việc đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn khi học sinh đi học trực tiếp tại trường và trong thời gian tới khi học sinh trở lại trường; giải pháp hỗ trợ an sinh cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua và thời gian tới...

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, cử tri và nhân dân Thủ đô mong muốn, trên cơ sở đánh giá toàn diện các kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn vướng mắc, từ đó đề ra các giải pháp phòng, chống dịch đồng bộ, hiệu quả, thích ứng an toàn.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố tiếp tục nâng cao năng lực phân tích dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất về công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không để lúng túng, bị động, bất ngờ trước những tình huống dịch bệnh có thể phức tạp hơn. Đồng thời sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và triển khai hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch một cách công khai, minh bạch, ngăn ngừa và xử lý nghiêm tiêu cực, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở… tập trung tháo gỡ khó khăn một cách thực chất, phát triển kinh tế - xã hội.

Đề xuất dừng hoạt động karaoke

Phản ánh cơ sở kinh doanh karaoke vẫn lén lút hoạt động, kinh doanh ăn uống vẫn chưa bảo đảm giãn cách tại quận Cầu Giấy, đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao (Tổ Nam Từ Liêm) đề nghị Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nêu rõ giải pháp khắc phục.

Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, trước đây quận có 74 cơ sở kinh doanh karaoke, nay còn 60 cơ sở. Trong đó, có 55 cơ sở được cấp phép. Thực tế, các cơ sở này đều hoạt động phức tạp, đa số về đêm nên rất vất vả cho các lực lượng tuần tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, điều kiện cấp phép về dịch vụ này còn bất cập, trong khi còn lồng ghép cả hoạt động ăn uống, nên dù thành phố đã có chế tài, quận đã xử phạt từ đầu năm hơn 7 tỷ đồng về vi phạm phòng, chống dịch các lĩnh vực, nhưng chưa đủ sức răn đe.

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khẳng định, thời gian tới, quận sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đề xuất nên cho dừng hoạt động karaoke trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, việc cấp phép kinh doanh ăn uống cần tách biệt với cửa hàng karaoke, có như vậy mới bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 còn rất phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.