(HNM) - Trong 15 năm qua, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã tăng 240 lần, số lượng sản phẩm tăng gần 114 lần, nhưng đến nay thị trường vẫn trong cảnh
Lực lượng liên ngành TP Hà Nội kiểm tra thực phẩm chức năng nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Doãn Tấn |
Lợi nhuận cao, hàng giả nhiều
Chưa bao giờ việc mua bán thực phẩm chức năng lại dễ dàng như hiện nay. Từ các hiệu thuốc, siêu thị, chợ…, thậm chí trên mạng xã hội cũng có thể tìm mua được đủ loại thực phẩm chức năng. Kèm theo đó, hàng loạt các sai phạm cũng được phát hiện trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng.
Hiện nay, Đoàn thanh tra Bộ Y tế đang tiến hành đợt kiểm tra chuyên đề các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm chức năng, công tác kiểm tra sẽ kéo dài đến hết năm. Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra bước đầu đã phát hiện các hành vi vi phạm: Ghi nhãn không đúng như công bố; không thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm đầy đủ theo quy định; vi phạm về điều kiện sản xuất; chất lượng sản phẩm không đúng tiêu chuẩn công bố... Thanh tra Bộ Y tế đã xử phạt hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực trạng thực phẩm chức năng bị làm giả, làm nhái đã đến mức báo động. Các vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Khi kiểm tra, có thực phẩm chức năng giả bẻ ra toàn là bột mì đổ khuôn thành viên, rồi phết mật ong bên ngoài, đóng lọ, dán nhãn, thế là thành... "sữa ong chúa".
Nếu như năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng với 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh khoảng 6.800 sản phẩm. Thị trường thực phẩm chức năng phát triển “nở rộ”, nhưng lộn xộn và khó kiểm soát; giá cả các sản phẩm bán ra không theo một căn cứ nào, cùng một loại nhưng mỗi nơi một giá khác nhau.
Tại buổi tọa đàm về quản lý thực phẩm chức năng diễn ra mới đây, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam đánh giá: Ở Việt Nam, các doanh nghiệp thực phẩm chức năng phát triển nhanh, rộng nhưng đầu tư chưa thỏa đáng. Thậm chí, việc sản xuất quá dễ dàng, chưa có lực lượng nghiên cứu kỹ lưỡng để tạo ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng...".
Phải có chế tài xử phạt nặng
Việc quản lý thực phẩm chức năng trên thị trường hiện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Sơn Hà |
PGS.TS Trần Đáng cho rằng, nguyên nhân của thực trạng nói trên là do hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh còn quá lỏng lẻo. Từ năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thực phẩm, trong đó có đề cập đến quản lý thực phẩm chức năng. Thế nhưng đến nay, chưa có Nghị định về quản lý thực phẩm chức năng được xây dựng. Hiện nay mới chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý chưa được chặt chẽ, thị trường thực phẩm chức năng bị thả nổi.
Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm đang xây dựng Nghị định quản lý thực phẩm chức năng để trình Chính phủ, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn.
GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, nhằm tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, rất cần thiết ban hành nghị định này. Và để nghị định phát huy được hiệu quả quản lý, cần phải đưa những chế tài xử phạt thật nặng, thật nghiêm đối với các hành vi sai phạm. Ví như tại Hàn Quốc, Luật Quản lý thực phẩm chức năng quy định: Phạt tới 2 tỷ đồng hoặc 7 năm tù giam, nếu doanh nghiệp làm sai quy định...
Ở góc độ phân phối, hiện có gần 90% sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam được kinh doanh theo mô hình đa cấp. Bộ Y tế đã đề xuất Bộ Công Thương cấm bán thực phẩm chức năng theo hình thức này. Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, thực phẩm chức năng được xếp vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, các mạng kinh doanh đa cấp thường quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thần dược, đẩy giá sản phẩm lên cao hơn nhiều so với giá trị thật. Đây cũng là biến tướng của kinh doanh thực phẩm chức năng, làm nhiều người tin mua, thậm chí bị lừa do chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo.
Bên cạnh đó xuất hiện tình trạng kê đơn thực phẩm chức năng bừa bãi, trong khi trên thế giới, chỉ cho phép bác sĩ kê đơn thuốc, không được kê thực phẩm chức năng.
Thực tế trên cho thấy, thực phẩm chức năng đang là một ngành công nghiệp phát triển nhanh tại Việt Nam, kéo theo đó, cuộc đấu tranh giữa hàng thật và hàng giả sẽ ngày càng gay gắt. Nếu cơ quan chức năng không siết chặt quản lý thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất không chỉ là người tiêu dùng mà còn cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
9 tháng năm 2017, Cục An toàn thực phẩm xử phạt gần 1,3 tỷ đồng với 33 cơ sở vi phạm, tiêu hủy 29 lô và tạm dừng lưu thông 41 lô thực phẩm chức năng. Hai công ty có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.