(HNM) - Bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp không chỉ gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi lợn mà còn khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi lao đao. Đã có không ít doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động và nhiều đại lý rơi vào cảnh nợ nần...
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm - Chủ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), khi chưa có bệnh Dịch tả lợn châu Phi, doanh nghiệp bán từ 2.000 đến 2.500 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng, nhưng đến nay chỉ bán được từ 1.000 đến 1.200 tấn/tháng. Mặc dù đã chuyển sang sản xuất một số loại thức ăn cho gia cầm, thủy cầm, nhưng do các hộ chăn nuôi sử dụng ít nên doanh thu giảm khoảng 50%.
Còn ông Trần Trọng Quang, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi Vina (Vinafeed) cho biết, trong mấy tháng qua, lượng tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018 (doanh số bán từ 16.000 tấn/tháng xuống còn 11.000 tấn/tháng). Hiện tại dịch bệnh đã giảm phát sinh, nhưng nông dân vẫn chưa tái đàn vì môi trường chưa bảo đảm nên các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã vậy, các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi càng khó khăn hơn. Theo ông Trần Văn Quý, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), thường thì các đại lý vẫn bán chịu cho nông dân, sau 4 đến 6 tháng, khi bán xong lứa lợn mới thanh toán. “Từ khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, số nợ mấy trăm triệu đồng của người chăn nuôi trở thành nợ xấu vì họ bị thua lỗ, chưa biết bao giờ mới trả. Để duy trì hoạt động, đại lý phải vay vốn ngân hàng và không dám bán chịu nữa...” - ông Quý nói.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay toàn thành phố có 51 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1.160 cơ sở kinh doanh sản phẩm này. Ảnh hưởng đầu tiên đối với ngành kinh doanh thức ăn chăn nuôi khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra là sản lượng giảm, doanh thu thấp. Rất nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh rơi vào tình trạng khó thu hồi vốn. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi mua từ các công ty sản xuất phải thanh toán ngay lúc nhận hàng nên không ít đại lý rơi vào cảnh nợ nần.
Để hỗ trợ ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) đề xuất, các ngân hàng tạo điều kiện cho đại lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi được vay vốn, hoặc khoanh nợ, giãn nợ… để tiếp tục duy trì hoạt động tới khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn.
Trong hàng loạt giải pháp được các cơ quan chức năng đưa ra, theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trước mắt, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nên cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, tận dụng nguyên liệu sẵn có để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Còn các trang trại chăn nuôi, thay vì sử dụng toàn bộ cám công nghiệp nên tự phối trộn thức ăn bằng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương để giảm chi phí sản xuất. Còn về lâu dài, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cần đa dạng hóa các loại sản phẩm như: Cám gà, vịt, thủy sản... để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.