Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi: Cần giải pháp căn cơ

Ngọc Quỳnh| 09/05/2022 06:15

(HNM) - Ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã và đang đối mặt với không ít vấn đề nội tại khi phần lớn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu. Vì vậy, không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí “đầu vào” tăng cao, ngành chăn nuôi nước ta còn phải đối mặt với những bất ổn từ thị trường, dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Đang rất cần những giải pháp căn cơ để Việt Nam chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng cho thị trường trong nước.

Dây chuyền sản xuất, đóng gói thức ăn chăn nuôi tại chi nhánh Công ty TNHH Rapfa Confeed Việt Nam, Khu công nghiệp Phúc Khánh (Thái Bình). Ảnh: TTXVN

Khó khăn từ vùng nguyên liệu

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới. Cụ thể, mỗi năm cả nước cần hơn 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nhưng thị trường trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm 40%), số còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.

“Hiện nay cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là 90 cơ sở; năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn nhiều hạn chế. Diện tích gieo trồng ngũ cốc - nguồn thức ăn tinh chủ yếu cho chăn nuôi lợn, gia cầm lại không nhiều và năng suất thấp. Các địa phương chưa tận dụng hết nguồn phụ phẩm nông nghiệp, chế biến làm thức ăn chăn nuôi…", ông Tống Xuân Chinh cho biết thêm.

Còn Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Tất Thắng cho rằng: Việt Nam không có lợi thế trong sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung như: Axit amin, vitamin, khoáng vi lượng, phụ gia… Trong khi đó, việc quản lý thức ăn chăn nuôi còn thiếu đồng bộ; công nghệ sản xuất hạn chế, nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; tỷ lệ hao hụt nguyên liệu cao, chất lượng thiếu ổn định, giá thành thức ăn chăn nuôi cao... Hơn nữa, chi phí cho hoạt động thương mại thức ăn chăn nuôi rất lớn do phần lớn thức ăn chăn nuôi vẫn được phân phối qua kênh đại lý trung gian.

Nói về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định cho biết, diện tích trồng ngô làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đến nay chỉ khoảng 942.00ha và đang có xu hướng giảm dần. Không chỉ có diện tích hạn chế mà ngô của Việt Nam cũng rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, bởi các nước như: Mỹ, Brasil, Irasel... có năng suất trồng ngô cao gấp 2-4 lần so với Việt Nam.

Cũng về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, hiện tại diện tích trồng ngô của Sơn La vào khoảng 85.000ha với sản lượng 364.000 tấn/năm. Trước đây, Sơn La là địa phương có diện tích trồng ngô lớn nhất miền Bắc, nhưng hiện nay nhiều nơi đã chuyển sang trồng hoa quả khiến diện tích trồng ngô giảm đáng kể.

Diện tích trồng ngô của Sơn La vào khoảng 85.000ha với sản lượng 364.000 tấn/năm góp phần tạo nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Chủ động nguồn nguyên liệu thay thế

Trong khi ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước còn nhiều khó khăn thì giá nguyên liệu sản xuất và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng liên tục khiến cho chi phí “đầu vào” của ngành chăn nuôi tăng mạnh. Để ngành sản xuất thức ăn phát triển tương xứng với quy mô của chăn nuôi Việt Nam, ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Mavin David John Whitehead cho biết, hiện nay tập đoàn đang nghiên cứu, triển khai mô hình tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn tại các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Nghệ An… sản xuất khép kín từ trồng nguyên liệu tới giết mổ và chế biến sản phẩm. Đây là một giải pháp quan trọng để cải thiện năng lực tự cung ứng nguồn nguyên liệu thô phục vụ chăn nuôi.

Còn Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Tất Thắng cho rằng: Nhà nước cần có chính sách khuyến khích chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi. Với các trang trại nhỏ lẻ nên chủ động chuyển sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tự chế biến thức ăn chăn nuôi để ít phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, qua đó giảm giá thành sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm.

Để người chăn nuôi giảm bớt gánh nặng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho biết: Cục đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu ngô từ 5% xuống 2%; lúa mì từ 3% xuống 0% và ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp sản xuất ở vùng khó khăn. Về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu, chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng ngô, sắn…; tăng cường liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với cơ sở kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo và phát triển sản xuất protein từ côn trùng để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu hiện nay…

Khẳng định Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng gắn với các cơ sở chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại. Mặt khác, các địa phương khi xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cần gắn với vùng chăn nuôi cũng như công nghiệp chế biến thực phẩm… để giảm áp lực về logistics.

Ngoài ra, để bớt phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng công thức khẩu phần thức ăn chăn nuôi có nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi: Cần giải pháp căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.