Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường máy tính trong nước ổn định bất chấp khó khăn nghiêm trọng trên toàn cầu

Hoàng Linh| 07/11/2022 10:22

(HNMO) - Doanh số suy giảm mạnh chưa từng có khiến các tên tuổi lớn trong lĩnh vực máy tính cá nhân như Lenovo, HP tụt hậu trong cuộc đua với đối thủ sừng sỏ Apple.

Sự ưu việt của các bộ xử lý M1 và M2 đang thu hút sự quan tâm của người dùng ở mọi phân khúc. 

Cụ thể, theo thống kê của hãng phân tích thị trường Canalys, Apple đã tiêu thụ tới 23,4 triệu máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy tính bảng trong quý III-2022, chiếm lĩnh 22% thị phần. Đây cũng là nhà sản xuất duy nhất tăng trưởng doanh số, khi quý vừa qua tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong khi đó, ở vị trí thứ hai, Lenovo chứng kiến doanh số lao dốc tới 21%, chỉ đạt 19,4 triệu máy các loại tới tay người tiêu dùng (tương đương 18% thị phần). Dù vậy, mức này vẫn đủ để thương hiệu Trung Quốc vượt lên đối thủ chính là HP ở vị trí thứ ba. Trong quý vừa qua, hãng máy tính Mỹ sụt giảm doanh số tới 28%, chỉ bán được 12,7 triệu máy, tương đương 12% thị phần (thấp hơn quý III-2021 tới 2,4%). 

Về phần mình, Dell đứng ở vị trí thứ tư với 12 triệu máy bán ra, giảm 21% so với quý III-2022. Ở vị trí cuối trong top 5 là Samsung, với 7,3 triệu máy bán ra, giảm 13%.

Tình trạng kinh doanh ảm đạm của các nhà sản xuất đồng nghĩa tình hình chung thị trường không mấy sáng sủa. Trong quý III-2022, tổng cộng hơn 105,5 triệu máy tính các loại đã được bán ra trên toàn cầu, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Đáng chú ý, không chỉ dẫn đầu tổng thể, Apple cũng là nhà sản xuất dẫn đầu sân chơi máy tính bảng trong quý vừa qua, bất chấp doanh số iPad đã giảm 6%, chỉ đạt 14,4 triệu máy. Mức này cũng cao hơn gấp đôi so với Samsung (6,6 triệu máy, giảm 8%). Ở vị trí thứ ba, Amazon tuy chứng kiến tăng trưởng tới 18% (đạt 3,2 triệu máy), nhưng con số này chưa đủ để vượt qua hai đối thủ mạnh. 

Ở các vị trí thứ tư và thứ năm là Lenovo và Huawei, tương ứng 2,7 triệu máy và 1,47 triệu máy. Cả hai nhà sản xuất máy tính bảng Android này đều chứng kiến doanh số lao dốc kỷ lục, khi kết quả kinh doanh quý III-2022 thấp hơn lần lượt tới 36,6% và 41,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nhiều nỗ lực kích cầu chưa giúp tạo đột phá trong thị trường máy tính cá nhân trong nước. 

Đánh giá về tình hình thị trường thời gian qua, giới chuyên môn cho rằng, nhu cầu giảm sút kết hợp với sức ép từ lạm phát và tâm lý tiêu dùng chuyển sang hướng cắt giảm chi tiêu đã bóp nghẹt hoạt động kinh doanh máy tính nói chung. 

Tuy nhiên, một thông tin tích cực là thị trường máy tính cá nhân Việt Nam lại tương đối ổn định. Lãnh đạo một hệ thống phân phối máy tính lớn đánh giá, tình hình kinh doanh hiện nay tuy chậm, nhưng khả quan hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn cầu. Nền kinh tế có những bước tiến tích cực nhờ sự điều hành hợp lý của chính phủ đã tạo tiền đề quan trọng, giúp lượng máy tính và linh kiện máy tính tiêu thụ ổn định. 

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng dự báo, doanh số từ nay tới cuối năm sẽ khó có sự đột phá do một số khó khăn về tỷ giá, thị trường tài chính... Do đó, sự xuất hiện dải sản phẩm mới như Intel Core 13th hay NVIDIA RTX 4000… dù được người tiêu dùng hoan nghênh, nhưng thực tế không có tác dụng kích cầu đáng kể. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường máy tính trong nước ổn định bất chấp khó khăn nghiêm trọng trên toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.