Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường dịp cận Tết: Hàng hóa nhiều, sức mua tăng

Thanh Hiền| 01/02/2019 06:36

(HNM) - Không chỉ nhộn nhịp tại các siêu thị, không khí mua sắm tại các tuyến phố của Hà Nội như Hàng Ðường, Hàng Giấy, Hàng Buồm, chợ Ðồng Xuân… cũng rất sôi động, sức mua tăng.

Khách hàng chọn mua đồ trang trí Tết trên phố Hàng Mã.


Giá thực phẩm tăng

Khảo sát của phóng viên tại các chợ truyền thống và chợ dân sinh như: Nguyễn Cao, 8-3, Hôm - Đức Viên, Hàng Bè, Thành Công…, các mặt hàng thịt lợn đều tăng giá 20-30% so với đầu tháng 1. Cụ thể, thịt nạc vai, chân giò, sườn, thịt ba chỉ... có giá từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg; thịt bò các loại tăng từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg (tùy loại), trong đó thịt bò thăn có giá 280.000-290.000 đồng/kg, bắp bò có giá từ 330.000 đến 350.000 đồng/kg. Cùng với đà tăng của mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm cũng trong tình trạng tương tự. Hiện, gà ta có giá từ 140.000 đến 150.000 đồng/kg; cánh gà công nghiệp có giá 75.000-80.000 đồng/kg, thịt đùi 95.000-100.000 đồng/kg…

Lý giải nguyên nhân khiến thịt gia súc, gia cầm tăng giá những ngày sát Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Hà Thu (chuyên kinh doanh thịt lợn tại chợ 8-3) cho biết, dịch lở mồm long móng bùng phát khiến nguồn cung trên thị trường giảm, giá lợn hơi tăng liên tục, hiện ở mức 48.000-52.000 đồng/kg. Mức giá này đã cao hơn 12.000-14.000 đồng/kg so với thời điểm thịt lợn "rớt" giá đợt đầu năm 2018. Với mặt hàng gia cầm, người nuôi đang “om hàng” chưa xuất bán, đợi tăng giá vào thời điểm ngày 28-30 Tết.

Nhận định về nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để chủ động cung ứng nguồn rau xanh phục vụ thị trường, toàn thành phố gieo trồng khoảng 8.700ha, dự kiến cho thu hoạch 190.000 tấn rau các loại. Ngoài ra, Hà Nội còn liên kết với hơn 40 tỉnh, thành phố để cung ứng rau xanh cho thị trường Thủ đô. Vì vậy, người tiêu dùng không lo thiếu nguồn rau phục vụ Tết. Bên cạnh đó, dự báo trên thị trường Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tiêu thụ khoảng 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò… các doanh nghiệp thương mại Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2019 khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.

Tại các siêu thị cũng đồng loạt thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi từ 5 đến 49% đối với hàng nghìn mặt hàng nhằm kích cầu mua sắm. Danh mục khuyến mãi, giảm giá mạnh đợt này chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm chế biến và tươi sống. Ông Trần Cứu Quốc, Giám đốc ngành hàng Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce cho biết, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2019, VinCommerce đã chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá hơn 800 tỷ đồng. Công ty cũng tổ chức tăng ca giao nhận để đáp ứng kịp thời hàng hóa cho chuỗi cung ứng cả nước. Đáng chú ý, để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân, VinCommerce đã mở thêm 238 cửa hàng VinMart và 5 siêu thị VinMart, nâng tổng diện tích kinh doanh toàn hệ thống lên hơn 400.000m2.

Trong khi đó, thông tin từ hệ thống siêu thị Big C cho thấy, ngoài việc chuẩn bị lượng hàng Tết phong phú phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, chương trình khóa giá được Big C triển khai thường niên vào mỗi dịp Tết đến xuân về, góp phần bình ổn giá thị trường dịp Tết. Ngoài những mặt hàng bánh kẹo, mứt sản xuất trong nước, thị trường ghi nhận sự có mặt của các sản phẩm đặc sản từ các vùng, miền như: Trà củ sen Tháp Mười, trà xanh Thái Nguyên, hạt mắc ca Lâm Đồng, chè lam Bắc Ninh, giò bê Nghệ An… góp phần tạo ra một thị trường tiêu dùng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi hấp dẫn.

Phong phú hoa, cây cảnh

Siêu thị Big C Thăng Long chuẩn bị hàng hóa phong phú phục vụ người dân dịp Tết Kỷ Hợi.


Góp vào không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân mới, các loại cây cảnh, hoa Tết như đào, quất, mai, lan,... ồ ạt xuống phố. Năm nay, ngoài mặt hàng đào rừng “hút” người chơi, thị trường hoa Tết còn xuất hiện loại hoa mận rừng khá lạ, khiến người dân Hà Thành mê mẩn, đặt mua về chơi Tết. Hoa mận rừng hiện có giá dao động từ 7 đến 10 triệu đồng/cành. Những cành hoa dáng thế đẹp có giá tới 15 triệu đồng.

Hoa lan cũng là một trong những loại hoa được người dân Thủ đô ưa chuộng mỗi khi Tết đến. Ngoài các loại như lan hồ điệp, địa lan… trồng trong nước, năm nay người mua rất chuộng các loại hoa lan nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đào đông đỏ là cái tên không mấy xa lạ với những ai quan tâm đến cây cảnh nhập ngoại, bởi đã xuất hiện khá lâu trên thị trường Việt Nam. Chị Thu Giang, nhân viên một cửa hàng hoa nhập khẩu trên phố Hàng Vôi (quận Hoàn Kiếm) cho biết, từ hơn một tháng nay, cửa hàng đã bán được khoảng 3.000 cành đào đông đỏ. Giá đào dao động từ 250.000 đến 700.000 đồng/cành, tùy độ dài.

Bên cạnh các loại hoa, cây cảnh, sản phẩm lọ lục bình phong thủy được người tiêu dùng ưa chuộng trong những ngày Tết, vì mang ý nghĩa tượng trưng cho sự phát tài phát lộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường dịp cận Tết: Hàng hóa nhiều, sức mua tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.