(HNMO) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến 7 tháng qua, chỉ số VN-Index giảm khoảng 17%. Hiện, thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng điều chỉnh. Vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19
Tương tự thị trường chứng khoán thế giới, 7 tháng năm 2020, thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua những phiên giao dịch đầy biến động. Đáng chú ý, vào tháng 3, thời điểm dịch Covid-19 có chiều hướng bùng phát, thị trường liên tiếp diễn ra các phiên giảm mạnh. Điển hình là phiên ngày 11-3 và 12-3, VN-Index giảm lần lượt 3,1% và 5,19%, đặc biệt phiên ngày 9-3, chỉ số chung giảm tới 6,28%, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2002. Vì vậy, chỉ tính riêng tháng 3, VN-Index giảm gần 25%, là tháng giảm điểm kỷ lục.
Nhờ những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, dịch bệnh tại Việt Nam sớm được kiểm soát tốt và Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực từ tháng 4 đến gần cuối tháng 7, dù có những phiên điều chỉnh giảm đan xen. Đặc biệt, phiên ngày 6-4, chỉ số chung tăng gần 5%, đánh dấu phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 8-2001. Thị trường đi lên chủ yếu nhờ những thông tin tích cực thu hút lượng lớn nhà đầu tư mới, chứ không phải xuất phát từ kết quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết.
Tuy nhiên, trong những phiên cuối tháng 7, nhà đầu tư đẩy mạnh “xả hàng” bởi tâm lý bị ảnh hưởng sau khi nước ta xuất hiện trở lại các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Vì thế, thị trường ghi nhận một số phiên giảm sâu và mất mốc 800 điểm. Chẳng hạn, phiên ngày 27-7, VN-Index giảm 5,31%, xuống mức 785,17 điểm. Sau khi hồi phục, ngày 29-7, VN-Index giảm 2,77%, còn 790,8 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN-Index giảm 0,34%, xuống mức 798,39 điểm. Như vậy, so với thời điểm đầu năm, VN-Index giảm khoảng 17%.
Mặc dù chỉ số chứng khoán giảm điểm, song thanh khoản thị trường lại tăng mạnh bởi lãi suất giảm và mặt bằng giá chứng khoán thấp vào cuối tháng 3 đã thu hút lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Tính đến hết tháng 6, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,54 triệu tài khoản, trong đó nhà đầu tư mở mới 35.046 tài khoản trong tháng 6, là tháng thứ tư liên tiếp thị trường ghi nhận số lượng tài khoản mở mới ở trên mức 30.000.
Nên ưu tiên tính an toàn của cổ phiếu
Điểm đáng chú ý trong hai đợt giảm vừa qua là, nếu như thời điểm tháng 3, thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thì những phiên gần cuối tháng 7, khối này lại mua ròng ở một số phiên thị trường giảm mạnh. Động thái trên chưa thể hiện xu hướng mua ròng của khối này nhưng phần nào cho thấy điểm tích cực của thị trường.
Cũng ở đợt giảm trong quý I, khi dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện, nhà đầu tư trở nên hoang mang thì ở đợt giảm sau, họ đã có phần bình tĩnh hơn bởi Việt Nam đã có kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh này.
Đợt giảm thứ hai của thị trường cũng phản ánh tác động của Covid-19 tới nền kinh tế và doanh nghiệp, khi nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đến hết quý II-2020 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.
Bước sang tháng 8, trong phiên giao dịch đầu tuần (3-8), VN-Index tăng mạnh 16,26 điểm (2,04%), lên mức 814,65 điểm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, một phiên tăng mạnh như vậy chưa thể khẳng định thị trường đã chấm dứt giai đoạn giảm. Hơn nữa, dòng tiền vào thị trường vẫn còn rụt rè.
“Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán vẫn chịu tác động về diễn biến tình hình dịch bệnh. Chỉ số chung có thể đạt mức cao nhất là 900 điểm, thấp nhất là 745 điểm trong tháng 8 này”, ông Nguyễn Thế Minh dự báo.
Dù vậy, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư không nên bi quan, bởi trong 2 năm trở lại đây, điểm tích cực là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư luôn có, dù thị trường lúc tăng, lúc giảm, thậm chí giảm mạnh. Vào thời điểm này, nhà đầu tư cần thận trọng, tìm kiếm những cổ phiếu giữ được tăng trưởng trong thời gian qua, hạn chế mua vào cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ bởi những cổ phiếu này thường nhạy cảm trước biến động của thị trường.
Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, đợt giảm của thị trường chưa dừng lại. Nhiều khả năng thị trường sẽ tăng hoặc giảm 10% từ mốc 800 điểm trong ngắn hạn. Chuyên gia này nghiêng về bên giảm, bởi hầu hết các doanh nghiệp đã “thấm” ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu không kiểm soát tốt đợt dịch mới, doanh nghiệp còn gặp khó khăn gấp bội.
Chuyên gia này gợi ý, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên tìm đến cổ phiếu có tính an toàn cao hơn là cổ phiếu có lợi nhuận cao nhằm tránh gặp rủi ro. “Thời điểm này thích hợp cho đầu tư dài hạn chứ không dành cho lướt sóng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.