(HNM) - Nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, sức khỏe của doanh nghiệp dần được cải thiện, nhưng thị trường chứng khoán vẫn
Thông tin từ nền kinh tế chưa tạo được sự hào hứng cho các nhà đầu tư. Ảnh: Ngọc Thắng |
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 (ngày 1-8), cũng là phiên cuối tuần đã khép lại trong sắc đỏ với cả 2 sàn chính thức. Đóng cửa phiên, sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index còn 79,01 điểm, giảm 0,25 điểm; chỉ số VN-Index của sàn TP Hồ Chí Minh mất 2,17 điểm, xuống 593,9 điểm. Sau một vài phiên bứt phá lên 600 điểm, VN-Index lại "tụt dốc" khi giới đầu tư tranh thủ thị trường tăng điểm để bán cổ phiếu. Trong số 5 phiên giao dịch tuần trước, VN-Index có 4 phiên điều chỉnh liên tiếp, trong đó có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua. Cụ thể, kết thúc phiên ngày 28-7, VN-Index "bốc hơi" 10,69 điểm (tương đương 1,78%), xuống 589,45 điểm. Sau khi hồi phục lại trong phiên ngày 29-7 và 31-7, chỉ số này lại để "tuột" điểm ở phiên cuối tuần, nhưng vẫn duy trì được ngưỡng hơn 590 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội cũng có xu hướng biến động tương tự, song mức giảm thấp hơn. Sau phiên mất điểm 2,14% ở đầu tuần, HNX-Index đi ngang, nhưng cuối tuần lại mất điểm khiến chỉ còn sát ngưỡng 79 điểm.
Mặc dù không giảm liền trong suốt 5 phiên giao dịch trong tuần, song, khối lượng giao dịch thường xuyên ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn ở trạng thái thận trọng. So với nhiều thời điểm trước, tính thanh khoản giảm khá mạnh trên cả 2 sàn. Riêng trong tuần trước, bình quân mỗi phiên giao dịch trên sàn Hà Nội chỉ có khoảng 35 triệu đơn vị, còn sàn TP Hồ Chí Minh cũng có khoảng 65 triệu đơn vị. Các mã cổ phiếu "họ" dầu khí vẫn hoạt động tích cực nhất, đóng vai trò dẫn dắt trên cả 2 sàn, điển hình là PVD, PVS, PVC, PGS… Khối ngoại tiếp tục có những động thái thiếu tích cực khi bán "ròng" mạnh ở cả 2 phiên cuối tháng 7. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SHS, động thái này của khối ngoại chủ yếu là nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư sau những phiên mua "ròng" với lượng lớn trước đó.
Như vậy, diễn biến giao dịch của thị trường cuối tháng 7 cho thấy, những thông tin của nền kinh tế chưa đủ lạc quan để kéo nhà đầu tư trở lại hào hứng với thị trường. Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng tập trung tăng trưởng chủ yếu ở các DN có kim ngạch xuất khẩu cao như giày dép, may mặc, thủy sản. Tồn kho công nghiệp có dấu hiệu tăng trở lại và các DN buộc phải giải thể, ngừng hoạt động tăng 9,8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa cũng chỉ tăng 11,4%, thấp hơn con số 12% cùng kỳ năm trước. Những số liệu này cho thấy tổng cầu chưa có xu hướng cải thiện, lĩnh vực sản xuất tuy có hồi phục nhưng có sự phân hóa rõ nét với mức tăng trưởng khả quan của các DN thuộc khối đầu tư nước ngoài, trong khi DN nội tiếp tục phải đối mặt với khó khăn. Ngân hàng HSBC cũng có nhận định, dấu hiệu cải thiện trong các hoạt động sản xuất của DN tiếp tục chậm lại, do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, chi phí vận chuyển, nguyên liệu tăng... Chính những thông tin này đã tác động mạnh đến tâm lý của giới đầu tư, khiến họ trở nên thận trọng với việc mua bán cổ phiếu, thị trường cũng khó có sự bứt phá.
Dự báo về thị trường thời gian tới, Công ty SHS cho rằng, xét trên bình diện thị trường chứng khoán nói riêng, hiện vẫn chưa thấy dòng tiền lớn quay lại thị trường. Giá các cổ phiếu cũng đã ở mặt bằng mới khá cao do mức tăng khá của 2 sàn trong nửa đầu năm nay. Động lực để tiếp tục đẩy các cổ phiếu này lên mặt bằng giá cao hơn đang trở nên yếu ớt nếu xét theo các yếu tố dòng tiền và các tin tức hỗ trợ trong thời gian tới. Vì vậy, chỉ số VN-Index dự báo là sẽ biến động quanh ngưỡng 585 điểm, VN-Index cần thêm thời gian tích lũy quanh vùng này trước khi chinh phục các đỉnh cao mới trong năm nay. Xu hướng trong tuần tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục phân hóa, dòng tiền ngắn hạn sẽ được đổ về các mã cổ phiếu lớn, có nhiều cơ hội tăng trưởng trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.