Phiên giao dịch ngày 15-4, hầu hết cổ phiếu giảm giá, trong đó hơn 110 mã giảm kịch sàn, VN-Index "bốc hơi" gần 60 điểm.
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam xung quanh diễn biến thị trường.
- Ông có thể chia sẻ, vì sao thị trường hôm nay lại giảm sâu như vậy?
- Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu trong phiên ngày 15-4. Trước tiên là từ đầu tháng 4 đến nay, những rủi ro đã hiện hữu, như giá USD tại thị trường trong nước tăng, đặc biệt hôm nay giá USD tăng rất mạnh. Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, thị trường chứng khoán nước này giảm sâu.
Thêm vào đó, thông tin về căng thẳng tại Trung Đông như “giọt nước tràn ly”, tạo hiệu ứng domino khiến thị trường giảm.
Đáng chú ý, hôm nay khối ngoại bán ròng mạnh, xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, là mức đột biến.
Cũng phải nói thêm là khi hiệu ứng tỷ giá xảy ra, thời gian tới, khả năng cao sẽ có làn sóng tăng lãi suất huy động VND trở lại.
Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay sẽ chưa tăng theo, hoặc nếu tăng chỉ tăng nhẹ vì tăng trưởng tín dụng hiện vẫn thấp. Khả năng cao, các ngân hàng sẽ phải hy sinh bớt lợi nhuận trong vài quý tới để bảo đảm vừa tăng trưởng tín dụng nhưng không gây ra áp lực lãi suất quá lớn do hiện tại Chính phủ vẫn đang duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ.
- Phiên này, các nhóm ngành đều giảm, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản giảm rất mạnh, theo ông vì sao?
- Những nhóm cổ phiếu này thường bị ảnh hưởng và nhạy cảm với lãi suất, vì lãi suất tăng thì bất lợi đầu tiên là nhóm ngân hàng bởi lợi nhuận bị thu hẹp.
Ngành chứng khoán bị ảnh hưởng, ngành bất động sản cũng bị ảnh hưởng bởi lo ngại nếu lãi suất cho vay tăng, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản đang nợ trái phiếu. Những điều này vô tình tạo nhiều hiệu ứng khác và "sợ" là tâm lý đám đông thể hiện trong phiên ngày hôm nay.
- Trong bối cảnh giảm sâu, ông có nhìn thấy điểm tích cực gì từ thị trường?
- Điểm tích cực nhất là thanh khoản cao. Thanh khoản cao nhưng đa số nhà đầu tư rơi vào trạng thái bị động, bị khớp chứ không phải thanh khoản cao là do chủ đích mua ở mức giá sàn.
Cũng có điểm tích cực là lực cầu chủ động khi thấy rằng thị trường giảm về vùng giá hấp dẫn để có thể mua vào, và điều này phản ánh thanh khoản thị trường tăng khá tốt. Cầu thể hiện khá tốt nhưng chưa thể kết luận lực cầu có tiếp tục tăng hay không, song ít nhất trong phiên hôm nay thì đây là điểm sáng. Tuy nhiên, thanh khoản cao trong phiên giảm sâu cũng cho thấy tâm lý bán ra và bán tháo xảy ra.
Điểm sáng thứ hai là cơ hội cầu bắt đáy sẽ sớm gia tăng vì chỉ số VN-Index đã giảm rất sâu, rơi về mức hấp dẫn, vùng được cho là hấp dẫn và có thể có cơ hội giải ngân là 1.200 điểm- 1.210 điểm và hiện VN-Index đã giảm về sát vùng này.
- Ông dự báo như thế nào về thị trường trong những phiên tới?
- Theo tôi, trong phiên ngày mai (16-4), áp lực giảm theo quán tính vào đầu phiên có thể vẫn xảy ra. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng lực cầu bắt đáy gia tăng khi chỉ số VN-Index về vùng 1.200 điểm - 1.210 điểm và giúp thị trường hồi phục.
Tôi thấy, cổ phiếu vẫn là kênh hấp dẫn nên nhà đầu tư có thể sớm quay lại thị trường.
Bên cạnh đó, áp lực rủi ro USD tăng cao từ đầu tháng này nhưng sẽ sớm hạ nhiệt vì rủi ro lạm phát được kỳ vọng sẽ hạ.
Ngoài ra, hiện bắt đầu vào mùa đại hội cổ đông, nhà đầu tư sẽ biết được dự kiến tăng trưởng và lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay, từ đó có bức tranh mô phỏng về định giá thị trường trong thời điểm hiện tại, và nhà đầu tư có đủ cơ sở để mua vào.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.