Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bảo hiểm: Gia tăng hành vi trục lợi

Hương Ly| 26/01/2013 08:00

(HNM) - Theo Bộ Tài chính, năm 2012 tổng doanh thu phí bảo hiểm (BH) toàn thị trường đạt 40.591 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, ngành BH cũng đang phải đối mặt với tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm (TLBH) gia tăng về số lượng, thủ đoạn càng lúc càng tinh vi, phức tạp.

Gian lận tinh vi

Kết thúc năm 2012, doanh thu phí BH phi nhân thọ đạt khoảng 22.675 tỷ đồng, tăng 10,2%; doanh thu phí BH nhân thọ đạt khoảng 17.916 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011. Các DNBH cũng đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 90.591 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2011. Công tác bồi thường và trả tiền BH cũng được thực hiện theo đúng quy định với tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền BH đạt khoảng 15.856 tỷ đồng. Trong đó, các DNBH nhân thọ chi trả ước đạt 6.679 tỷ đồng, DNBH phi nhân thọ: 9.177 tỷ đồng. Ngành BH đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, với tổng số đại lý BH toàn thị trường tính đến cuối năm 2012 ước đạt 317.000 người, tăng 11,6%.


Chế tài xử phạt hành vi gian lận bảo hiểm hiện còn nhiều lỗ hổng.


Mặc dù tiềm năng phát triển của thị trường BH Việt Nam rất lớn, song các DNBH cũng đang phải đối phó với tình trạng TLBH gia tăng với thủ đoạn càng lúc càng tinh vi và phức tạp. Theo số liệu thống kê của các DNBH, trong giai đoạn 2007-2011, tổng số vụ TLBH phát hiện được tại các DN là khoảng 44.704 vụ, với tổng số tiền tới 411,7 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực BH phi nhân thọ là 3.973 vụ, số tiền trục lợi là 149,9 tỷ đồng, lĩnh vực BH nhân thọ là 40.731 vụ, số tiền trục lợi là 261,8 tỷ đồng. TLBH xảy ra trên nhiều nghiệp vụ BH như ô tô, sức khỏe, cháy nổ… với nhiều hình thức gian lận khác nhau. Bên cạnh những "kịch bản" khá quen thuộc như bị tai nạn ô tô xong mới tìm cách ký hợp đồng BH, câu kết với bác sỹ để lập hồ sơ trục lợi BH sức khỏe… đã xuất hiện nhiều thủ đoạn gian lận mới. Đặc biệt, trên thực tế đã xảy ra do tình trạng kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ, đối tượng trục lợi đã tự tay đốt nhà xưởng, tạo hiện trường giả để đòi tiền bồi thường. Mặc dù phòng giám định bồi thường của DN đã phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn và tìm ra những căn cứ để khẳng định hành vi trục lợi, song việc xử lý triệt để hành vi gian lận này rất khó khăn. Bởi, hồ sơ TLBH của đối tượng được chuẩn bị khá "hoàn hảo", thậm chí được hợp pháp hóa bởi sự tiếp tay của nhiều đối tượng có liên quan. Nhiều DNBH cũng đang phải đối mặt với thực tế, bản thân nhân viên giám định cũng "bắt tay" với đối tượng TLBH, gây thiệt hại nặng nề cho các DN. Trong khi đó, chế tài xử phạt hành vi gian lận trong lĩnh vực BH lại chưa được quy định rõ ràng, hình thức xử lý chưa đủ mạnh đã vô tình "khuyến khích" sai phạm nảy sinh.

Cần tăng cường giám sát

Để thị trường BH phát triển theo hướng bền vững, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, ngay trong năm nay, bên cạnh việc chú trọng chống TLBH nhằm phát triển ổn định và lành mạnh thị trường, cơ chế giám sát BH cần phải được tăng cường hơn nữa. Cụ thể, Bộ tiếp tục rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu ý kiến phản ảnh của các DN nhằm hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh BH. Các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực BH cần được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm ngăn ngừa hiệu quả các hành vi sai phạm. Các DN tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu các DNBH, tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới song song với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiện toàn đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đại diện nhiều DNBH cho biết, trong khi chờ đợi những biện pháp "mạnh tay" của cơ quan quản lý, giám sát BH, bản thân các DN cũng xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro nhằm hạn chế tình trạng TLBH gia tăng. Bên cạnh thực hiện giám định bồi thường theo hướng chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của khách hàng, nhiều DNBH đã chủ động tổ chức thanh, kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện sớm tình trạng đại lý, nhân viên tiếp tay cho hành vi TLBH. Với nỗ lực từ cả hai phía: cơ quan giám sát, quản lý BH và các DN, hy vọng thời gian tới, thị trường BH Việt Nam sẽ phát triển lành mạnh và bền vững.

Theo kế hoạch, năm 2013 toàn ngành BH đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu phí BH 44.685 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2012 (trong đó, doanh thu phí BH phi nhân thọ khoảng 24.942 tỷ đồng, tăng 10% và doanh thu phí BH nhân thọ khoảng 19.743 tỷ đồng, tăng 10,2%).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bảo hiểm: Gia tăng hành vi trục lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.