(HNMO) - Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh, cần chuẩn hóa hơn nữa đội ngũ tư vấn; doanh nghiệp bảo hiểm rà roát lại chính sách, quy trình nội bộ cũng như mạng lưới đại lý, tư vấn...
Nguyên nhân biến tướng về bảo hiểm nhân thọ
Ngày 14-4, Báo Tiền Phong và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức tọa đàm “Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ”.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng biến tướng về bảo hiểm nhân thọ vừa qua. Về khách quan, thị trường tài chính, chứng khoán gặp khó khăn trong khi doanh nghiệp bảo hiểm đem phí đi đầu tư. Cùng với đó, hợp đồng liên kết với khách hàng để đầu tư chiếm đến 85%, điều này có nghĩa nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đi chệch hướng. Ngoài ra, quy định pháp luật chưa chặt chẽ và đủ sức răn đe với cả bên bán và bên mua.
Về chủ quan, chất lượng tư vấn của nhân viên bảo hiểm chưa tốt, đôi khi họ bị sức ép về doanh thu, và chạy theo doanh số bán hàng.
Kiến thức về bảo hiểm rất phức tạp, “chúng tôi là những người trong nghề nhưng kiến thức trong lĩnh vực này cũng không dễ dàng” - ông Cấn Văn Lực nói. Bên cạnh đó, hợp đồng bảo hiểm quá dài, lên tới 80-100 trang.
Hơn nữa, không ít người mua bảo hiểm không rõ mục đích mua, để phòng ngừa rủi ro, tích lũy cho sau này hay đầu tư sinh lời. “Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội bảo hiểm Việt Nam chia sẻ, khi nhận được thông tin về các khiếu nại của khách hàng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, Hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp kiểm tra, xác minh để kịp thời xử lý, bảo đảm quyền lợi của khách hàng trên cơ sở tuân thủ pháp luật.
Còn bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, ngay sau khi nhận được các thông tin phản ánh từ báo chí và đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt để chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Trong năm 2023, Cục sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm có bán bảo hiểm qua ngân hàng; phối hợp Ngân hàng nhà nước để thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Chuẩn hóa bên cung cấp
Theo TS Cấn Văn Lực, quy mô bảo hiểm Việt Nam mới chiếm 1,9% GDP, trong khi ở Thái Lan là 3,2%, trung bình trên thế giới là 5,7%... Sau những vụ việc vừa qua, đã đến lúc “xốc” lại thị trường bảo hiểm.
Để phát triển thị trường này lành mạnh, cần tiếp tục chuẩn hóa mẫu hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm chỉ cần 10-20 trang để người mua bảo hiểm đọc dễ hiểu. Nên có bộ hợp đồng mẫu để các công ty bảo hiểm thực hiện; phải quy định rõ, trong hợp đồng phải có bản tóm tắt.
Doanh nghiệp bảo hiểm cần rà roát chính sách, quy trình nội bộ cũng như mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm, chuẩn hóa hơn nữa đội ngũ tư vấn. Với đội ngũ tư vấn cũng phải phân loại. Tư vấn thông thường cần một đội ngũ riêng; với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, cũng cần đội tư vấn chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, Chính phủ có chương trình quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân cũng như tư vấn viên.
Với người dân, khi mua sản phẩm bảo hiểm, cần đọc kỹ hợp đồng, nắm những điều khoản cơ bản. Về sản phẩm bảo hiểm liên kết, nếu không hiểu rõ và không chắc chắn, không yên tâm thì không nên tham gia.
Riêng về giải pháp để đưa kênh bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) hoạt động lành mạnh, bà Phạm Thu Phương cho rằng, doanh nghiệp nên rà soát quy trình thẩm định, phát hành hợp đồng bảo hiểm để có giải pháp xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng đại lý tư vấn bảo hiểm để hạn chế tình trạng đại lý tư vấn thiếu trung thực, kịp thời giải đáp cho khách hàng các thông tin, thắc mắc trong thời gian cân nhắc bảo hiểm (21 ngày).
Đơn vị kinh doanh bảo hiểm rà soát, chú trọng hơn nữa đến chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng, không để tình trạng các hợp đồng bảo hiểm “mồ côi” (khi đại lý tư vấn/nhân viên ngân hàng khai thác hợp đồng đã nghỉ việc) như phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng gần đây.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Phạm Thu Phương cũng nêu quan điểm, ngân hàng phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, không chỉ đạo/định hướng nhân viên ngân hàng làm đại lý "ép buộc" người gửi tiền/vay vốn mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; trường hợp vi phạm cần phải xử lý nghiêm.
Bancassurance đang ngày càng phổ biến và trở thành một trong những kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm chính bên cạnh các kênh phân phối truyền thống khác. Tại Việt Nam, thời gian qua, bancassurance đã phát triển nhanh chóng, tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều vướng mắc, thậm chí tiêu cực. Nhiều người đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng đã bị nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty bảo hiểm tư vấn không rõ ràng, lôi kéo và chuyển khoản gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.