(HNMO) – Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, thị trường mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục tăng trưởng bất chấp khó khăn kinh tế. Các yếu tố như doanh thu bán hàng giữ mức tăng trưởng cao, mức tiêu dùng và thu nhập được cải thiện đều thúc đẩy nguồn cung bán lẻ.
Việt Nam đã có những điều kiện cần thiết để duy trì mức độ tiêu dùng cao, trong đó lực lượng dân số trẻ dưới 30 tuổi chiếm đến 57% tổng dân số, tăng trưởng kinh tế ổn định, xu hướng tiêu dùng cao cấp, ưa chuộng các thương hiệu ngoại nhập và thậm chí xa xỉ của người dân.
Tính trung bình, người dân Việt Nam chi tiêu đến 70% thu nhập của mình và có xu hướng giữ một khoản tiết kiệm, vì thế các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã chiếm một lượng lớn không gian mặt bằng được thuê.
Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số Phát triển Bán lẻ toàn cầu năm 2010 của công ty tư vấn AT Kearney cho thấy mức độ hấp dẫn về đầu tư mặt bằng bán lẻ của Việt Nam đang giảm xuống. Việt Nam từng đứng đầu danh sách về chỉ số này vào năm 2008, sau đó giảm xuống hạng sáu trong năm 2009 và xa hơn, hạng 14 vào 2010. Điều này là một trong những sụt giảm lớn nhất trong danh sách kể trên. Mặt khác, Việt Nam cũng đã qua giai đoạn đỉnh cao trong phân tích cơ hội đầu tư, đồng nghĩa với việc Việt Nam vẫn được cân nhắc đối với các nhà đầu tư quốc tế, nhưng không còn là ưu tiên hàng đầu.
Đối với riêng Hà Nội, về cơ bản, thị trường bán lẻ Hà Nội theo sát với thị trường cả nước. Trong giai đoạn 2005- 2009, tổng doanh thu bán lẻ tăng trưởng liên tục ở mức 20%/năm, ngoại trừ năm 2008 với bước nhảy vọt lên tới 96%. Năm 2009, các cửa hàng bán lẻ đã thu được doanh số gần 9 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2008.
Mặc dù các cửa hàng hoạt động tốt nhất tập trung tại các quận cũ như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa, song vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các khu vực mới ở phía Tây (Cầu Giấy, Từ Liêm) và Hoàng Mai, Đông Anh. Các mặt bằng còn trống tại khu vực trung tâm là hết sức hạn chế, do khu vực này luôn được xem như điểm đến mua sắm truyền thống, nhất là với các thương hiệu sang trọng. Do vậy, giá thuê đạt mức rất cao, lên đến 150 USD/m2/tháng tại một vài địa điểm quanh Hồ Hoàn Kiếm. Ngược lại, các trung tâm bán lẻ mới cùng phân khúc tại các quận ngoại vi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc lấp đầy mặt bằng trống, ngay cả khi họ chào giá thuê thấp hơn đáng kể.
Tính đến hết quý 1/2011, Hà Nội đã có hơn 420.000 m2 diện tích mặt bằng bán lẻ, trong đó 39% thuộc về các trung tâm thương mại/trung tâm mua sắm và chỉ 3% đến từ khối đế bán lẻ. Tuy vậy, những khối đế bán lẻ này lại là tâm điểm của lĩnh vực, thu hút các thương hiệu cao cấp nhất, đặt tại các tòa nhà nổi tiếng và có mức giá thuê cao nhất. Do người Hà Nội dần thích nghi với thói quen mua sắp tại các siêu thị/đại siêu thị nhằm tận hưởng lợi thế về chất lượng, giá cả ổn định và sự tiện lợi, loại hình này cũng đang phát triển mạnh mẽ và chiếm diện tích mặt sàn lớn thứ hai, đặt ra mối đe dọa lớn đối với các chợ truyền thống.
Mặt khác, bắt đầu từ ngày 01/01/2011, Việt Nam đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tự mở các doanh nghiệp bán lẻ mà không cần đối tác trong nước, phù hợp với các cam kết với WTO. Giờ đây các nhà bán lẻ Việt Nam và nước ngoài có quyền cạnh tranh bình đẳng, nhưng sự xuất hiện của ngày càng nhiều công ty đang khiến tình hình cạnh tranh thêm phức tạp. Trong khi các chuỗi bán lẻ quốc tế với kinh nghiệm chuyên nghiệp và khả năng tài chính dồi dào xuất hiện như Lotte, Parkson, Big C, Metro Cash & Carry và FamilyMart đều gây nhiều áp lực, những nhà bán lẻ Việt Nam như Saigon Co.op, Hapro cũng đã có câu trả lời của mình. Cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đang tìm cách thành lập hoặc mở rộng thêm nhiều cơ sở, khiến nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng thêm đáng kể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.